Reuters đưa tin, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ giảm 0,1% trong tháng 8, sau khi tăng 0,1% trong tháng 7. Đây là tháng giảm duy nhất của chỉ số CPI tại Mỹ kể từ tháng 1/2015, với nguyên nhân được cho là giá xăng giảm trở lại và đồng USD mạnh khiến giá các hàng hóa khác giảm.

Hãng tin này nhận định, những dấu hiệu về xu hướng giảm lạm phát đang trái ngược hẳn lại với tình trạng nền kinh tế đang mạnh lên và thị trường lao động cải thiện, theo đó nêu bật tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” mà các quan chức của FED đang phải đối mặt khi họ sắp quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong vòng gần 1 thập kỷ.

cpi_o_my_ahww.jpg
Chợ trung tâm (Grand Central Market) ở Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: Reuters).

Những đồn đoán trái chiều

Ủy ban hoạch định chính sách của FED đang tiến hành cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, khai mạc vào ngày 16/9. Tuy số liệu tích cực về tiêu dùng, nhà đất và việc làm đều ủng hộ cho khả năng tăng lãi suất, nhưng tình trạng xáo trộn trên thị trường tài chính toàn cầu gần đây lại không ủng hộ cho khả năng này.

Theo một chuyên gia phân tích của Moody's Analytics, FED có thể hoãn tăng lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, dựa vào số liệu kinh tế, nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp này.

Theo một khảo sát của Reuters với 80 chuyên gia kinh tế, 45 người dự doán FED sẽ giữ nguyên lãi suất ngắn hạn gần mức 0% - 0,25% trong cuộc họp tuần này. Chỉ có 35 người cho rằng lãi suất của Mỹ sẽ được nâng lên.

Số liệu trong ngày cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp thấp vẫn chưa giúp thúc đẩy tốc độ tăng lương, và cùng với việc đồng USD mạnh lên đã góp phần khiến lạm phát vẫn dưới ngưỡng mục tiêu 2% của FED.

FED đang tiến hành cuộc họp chính sách. (Ảnh: CNBC).

Lạm phát cơ bản cũng chỉ tăng nhẹ 0,1% trong tháng 8, phản ánh việc tác động của đồng USD mạnh lên đã kìm hãm giá của các hàng hóa nhập khẩu. Đồng USD đã tăng 17,1% so với một giỏ các đồng tiền chủ chốt kể từ tháng 6/2014.

Mỹ “kìm” lãi suất ở mức “lịch sử”

Bloomberg nhận định, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã giữ mức lãi suất gần 0% trong nhiều năm liền. Nếu cơ quan này nần lãi suất trong tuần này theo đúng kế hoạch, nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng lớn, đặc biệt tại các thị trường mới nổi. Lãi suất của Mỹ tác động đáng kể tới chính sách tiền tề của ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia trên thế giới.

Kênh thông tin tài chính Mỹ (CNBC) cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ có dấu hiệu đi xuống trong tháng 8 khiến quyết định tăng lãi suất của FED khó khăn hơn.

Mức tăng CPI của Mỹ trong 12 tháng qua đạt 0,2%, tương đương mức tăng của tháng 7/2015. Dấu hiệu lạm phát đi xuống đang đi ngược với những tín hiệu tích cực trên thị trường việc làm của Mỹ. Điều này có thể khiến FED chần chừ trong việc nâng lãi suất, vốn đã ổn định ở mức thấp trong gâng 1 thập kỷ qua.

Sự tăng giá của đồng bạc xanh trên thị trường toàn cầu có đóng góp đáng kể vào việc giúp FED thực hiện mục tiêu giữ mức lãi suất ổn định dưới 2% trong nhiều năm qua./.