Ngày 22/1, tại Frankfurt (Đức) diễn ra cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Tại cuộc họp này, dự kiến ECB sẽ tung ra gói kích thích kinh tế mới trị giá 600 tỉ euro, khoảng 690 tỉ USD để mua trái phiếu chính phủ quy mô lớn. Theo ECB, chương trình mua vào trái phiếu không chỉ hướng đến mục tiêu hỗ trợ các nước khó khăn về vốn và thanh khoản mà còn nhằm đối phó với tình trạng giảm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện nay.

Phát biểu trước khi diễn ra cuộc họp chính sách của ECB, Chuyên gia kinh tế trưởng Eurozone ở Ngân hàng ING của Belgium - Peter Vanden Houte cho biết, sự sụt giảm của chỉ số lạm phát chủ yếu do giá dầu hạ và là nguyên nhân chính khiến giá cả trong khu vực Eurozone giảm. Xu hướng giá giảm kéo theo tâm lý trì hoãn chi tiêu, chờ đợi giá cả sẽ xuống mức có lợi hơn nữa, và dẫn đến tình trạng giảm phát.

Điều này có thể sẽ buộc ECB phải hành động để cứu lấy nền kinh tế. Chính vì vậy, chương trình mua trái phiếu chính phủ quy mô lớn hay gói nới lỏng định lượng (QE) mà ECB đưa ra lần này nhằm giải quyết tình trạng giảm phát trong khu vực, thúc đẩy nền kinh tế châu Âu và tăng sự tin cậy trong khu vực Eurozone.

Chuyên gia Peter Vanden Houte phân tích: Giảm phát đang tiêu cực vì hiện ở mức âm 0,2%, trong khi ECB lại muốn giảm phát giữ ở mức 2%, rõ ràng là mức giảm phát hiện nay là quá thấp. Chính vì vậy nếu in nhiều tiền hơn, có thể sau đó, giảm phát sẽ tăng lên.

Lý do thứ hai để thực hiện chính sách tiền tệ này là nền kinh tế châu Âu còn rất yếu kém, sự tăng trưởng rất yếu ớt. Nếu áp dụng mua trái phiếucó thể nhìn thấy động lực như đã từng thấy ở Mỹ. Khi đồng euro yếu ớt có thể là thuận lợi cho xuất khẩu và đẩy mạnh tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo ông Peter Vanden Houte, một số nước có nền kinh tế phát triển mạnh ở khu vực Eurozone có thể lo ngại vì chương trình mua trái phiếu chính phủ quy mô lớn của ECB có thể gây ra những tác động tiêu cực như: Chương trình mua trái phiếu khiến lãi suất trái phiếu chính phủ giảm, chỉ mang lại lợi ích cho giới giàu có và doanh nghiệp lớn mạnh, mà không đem lại lợi ích cho doanh nghiệp nhỏ của châu Âu - nguồn cung hơn 80% việc làm mới cho khu vực. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng châu Âu vẫn chưa đủ mạnh để thực hiện chương trình này.

Trước những lo ngại này, lãnh đạo một số nước châu Âu đã trấn an người dân về lợi ích mà chương trình này đem lại như: Việc mua trái phiếu chính phủ của ECB không chỉ hướng đến mục tiêu hỗ trợ các nước khó khăn về vốn và thanh khoản mà còn nhằm đối phó với tình trạng giảm phát của khu vực Eurozone hiện nay.

Thủ tướng Đức - Angela Merkel cho rằng, Eurozone đã không hoàn toàn vượt qua được cuộc khủng hoảng. Điều này đã được chứng minh trong tuần cuối cùng của năm 2014, nhưng dù sao chăng nữa, ECB sẽ đưa ra quyết định một cách độc lập để vực dậy nền kinh tế trong khu vực.

Các nhà phân tích hy vọng, với chương trình mua trái phiếu chính phủ quy mô lớn mà ECB xem xét đưa ra, thị trường sẽ phản ứng tích cực, từ đó sẽ tạo tâm lý lạc quan, kích thích đầu tư và đưa kinh tế khu vực châu Âu tăng trưởng trở lại./.