Trong khi ở nhiều địa phương, người trồng dưa hấu lao đao vì giá quá thấp thì tại huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, nông dân phấn khởi nhờ dưa vừa được mùa lại được giá.

Dưa hấu có tên gọi “Kỳ Lý” của địa phương này đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây là lợi thế cạnh tranh, nhưng quan trọng hơn là cách thức mà người nông dân sản xuất và chọn thời điểm thu hoạch bán ra thị trường để không “đụng hàng” với dưa của nhiều địa phương khác trong vùng.

3402_img_7671_nzap.jpg
Giá thu mua dưa tại Quảng Nam đã lên đến 8.000 đồng/kg. (Ảnh: VNM-PL.XH)
Vụ dưa năm nay, nông dân huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam trồng hơn 470 ha dưa hấu, tập trung chủ yếu ở các xã Tam Phước, Tam Thành, Tam An.... Hầu hết diện tích dưa hấu tại đây đều cho năng suất cao, khoảng 1,3 - 1,5 tấn/sào. Theo tính toán của người nông dân, nếu giá ổn định trên 7.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi sào dưa sau khi trừ chi phí, người trồng dưa lãi trên 7 triệu đồng.

Bà Đoàn Thị Nở, ở xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết, giá dưa đang lên khiến người trồng an tâm sản xuất. Ban đầu giá bán dưa là 7.000 đồng/kg nhưng nay đang tăng lên 7.500 – 8.000 đồng/kg.

Sở dĩ dưa hấu Kỳ Lý của huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam được giá trước hết là cách chọn giống. Phần lớn diện tích trồng dưa nơi đây được bà con chọn giống Hắc Mỹ Nhân để trồng. Giống dưa này quả dài, có vị ngọt sắc, vỏ cứng có thể bảo quản được lâu, thích hợp cho việc vận chuyển tiêu thụ xa.

Nhưng quan trọng hơn, theo ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam là cách bố trí sản xuất theo kiểu “lách vụ”. Bà con không gieo trồng cùng thời điểm với nông dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và ngay cả người dân khu vực bãi bồi ven sông Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam, mà chủ động lùi lịch thời vụ khoảng nửa tháng. Như vậy, thời điểm nông dân huyện Phú Ninh thu hoạch dưa chậm hơn so với các địa phương khác nửa tháng.

Ông Lê Muộn còn cho biết, thời gian này, nông dân Trung Quốc mới bắt đầu xuống giống nên chưa có dưa bán ra thị trường. Do đó, dưa của nông dân huyện Phú Ninh vừa “né” được đầu ra thị trường dồi dào của dưa trong nước, vừa chọn đúng thời điểm phía Trung Quốc chưa thu hoạch dưa.

Dưa hấu thu hoạch đúng thời điểm thị trường có nhu cầu cao giúp người dân tăng thu nhập. (Ảnh: VNM-PL.XH)
Về lâu dài, ông Muộn cho rằng, nếu không có điều chỉnh chung về mặt thu hoạch gắn với thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương cần đứng ra có dự báo thị trường, thời điểm thu hoạch dưa, dự tính số lượng thu mua của Trung Quốc sau đó mới quay trở lại bài toán quy hoạch liên vùng, may ra mới điều chỉnh được thị trường cung - cầu.

“Cơ quan quản lý cần phải có kế hoạch dài hơi hơn, bởi vì khi thấy dưa của Quảng Nam được mùa được giá, nông dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định học theo nông dân Quảng Nam cũng điều chỉnh lùi lịch thời vụ thì lập tức dưa lại dư thừa, mất giá”, ông Muộn băn khoăn./.