Hội nghị kết nối diễn ra vào chiều 6/11, tại Hà Nội với sự tham gia của: Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công thương; bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội.

Về phía Hà Giang có sự góp mặt của bà Hà Thị Minh Hạnh - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; ông Hà Việt Hưng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang, Bí thư Huyện ủy Bắc Quang; ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang.

Từ lâu, cây cam sành được xác định là cây ăn quả mũi nhọn của huyện Bắc Quang cũng như của tỉnh Hà Giang. Loại cây ăn quả này đã thực sự mang lại cuộc sống ấm no, giúp nhiều hộ nông dân đi lên làm giàu.

Sự phát triển của cây cam, quýt qua hơn 20 năm (từ năm 2000) có nhiều thăng trầm, trong đó sự suy thoái về giống và giá cả thị trường đã làm giảm diện tích cây trồng này ở huyện Bắc Quang. Với sự nỗ lực của cả hệ thống các cấp cùng với các chính sách được tỉnh và huyện triển khai đã giúp cây cam phục hồi và phát triển trở lại.

Phát biểu về tình hình phát triển cây cam sành huyện nhà, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết: “Từ năm 2012 cây cam, quýt của huyện phát triển cả về diện tích, năng suất và chất lượng ngày càng tăng. Đến nay, tổng diện tích cây cam toàn huyện năm 2020 ước đạt: 6.126,5 ha; Tổng sản lượng cam niên vụ 2020-2021 ước đạt 61.300 tấn. Đây là kết quả đáng khích lệ, không chỉ riêng với các hộ trồng cam mà còn của toàn huyện Bắc Quang.

Tuy nhiên, quá trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng và chăm sóc mới chỉ dừng ở những diện tích thực hiện theo đề án. Thực tế trên diện rộng, hầu hết các hộ gia đình vẫn áp dụng biện pháp trồng và chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống, dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, đặc biệt chưa thể hướng tới thị trường tiêu thụ sản phẩm cao cấp, công tác quản lý, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm vẫn chưa mang lại hiệu quả cao”.

Có mặt tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công thương bày tỏ sự vui mừng khi UBND huyện Bắc Quang đã khéo léo lồng ghép sự kiện quảng bá sản phẩm cam Bắc Quang trong khuôn khổ chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.

Qua đó, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công thương cũng kiến nghị rằng: “Trong thời gian tới, UBND tỉnh Hà Giang, UBND huyện Bắc Quang tích cực hỗ trợ bà con nông dân ở các trang trại đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm. Mặt khác, khẩn trương làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoàn thiện khâu cấp mã số vùng trồng để lấy được chứng nhận VietGap hay GlobalGap.  Qua đó hoàn thiện giấy thông hành tiến vào con đường xuất khẩu một cách thuận lợi hơn. Đây cũng xem như giải pháp căn cơ tìm đầu ra cho các trang trại cam ở Bắc Quang.

Về phía Bộ Công thương, hiện nay, chúng tôi có rất nhiều chương trình hỗ trợ, phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang, Sở Công thương tỉnh, cũng như UBND huyện Bắc Quang để có thể đẩy mạnh tiêu thụ nông, đặc sản của huyện nhà”.

Tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú cũng chỉ ra biện pháp trước mắt tiêu thụ sản phẩm cam Bắc Quang là đẩy mạnh qua con đường hội chợ nông, đặc sản ở các vùng miền và kết hợp chợ đầu mối ở các địa phương. Đây là cách tốt nhất để giải quyết việc tiêu thụ sản phẩm với sản lượng lớn, khi chưa đạt được các tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu.

Cũng tại Hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hà Nội cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho tỉnh Hà Giang, đặc biệt là huyện Bắc Quang tham gia các hoạt động kích cầu của Hà Nội, cũng như chương trình thương mại điện tử đang được triển khai. Miễn phí các gian hàng về tham gia các hoạt động xúc tiến tại thị trường Hà Nội.

Bên cạnh đó, bà Trần Thị Phương Lan cũng hy vọng rằng: “Sở Công thương Hà Giang là đầu mối, thường xuyên cung cấp danh sách các hộ sản xuất và sản lượng các vùng trồng, đặc biệt là thời điểm thu hoạch. Qua đó, chúng tôi sẽ kết nối với các hệ thống phân phối tại Hà Nội gồm 8 Trung tâm thương mại, 148 siêu thị và trên 1.000 cửa hàng tiện lợi. Thêm vào đó, chúng tôi sẽ kết nối đến 700 chuỗi cửa hàng với 21 tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng sông Hồng, cũng như các tỉnh vùng núi phía Bắc. Qua các kênh đó, Sở Công thương sẽ đôn đốc các nhà phân phối hỗ trợ các sản phẩm của tỉnh Hà Giang cũng như huyện Bắc Quang một cách hiệu quả nhất”.

Hội nghị là sự kiện quan trọng nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm và thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc cam. Đồng thời, UBND huyện Bắc Quang mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác, là cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ theo hướng liên kết, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận tìm hiểu các cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh Hà Giang về phát triển cây cam, quýt, từ đó thiết lập quan hệ sản xuất và tiêu thụ thông qua việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm./.