Nhiều vấn đề trong bản quy hoạch cần giải quyết
Theo kế hoạch, ngày 10/03/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp với Bộ Công Thương và Hội đồng thẩm định Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch Điện 8). Đây cũng là giai đoạn nước rút phải hoàn thiện bản Dự thảo Đề án Quy hoạch điện cho giai đoạn tới. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, Bản Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến trong một thời gian quá ngắn, còn nhiều lĩnh vực chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở đúc rút các kinh nghiệm từ thực tế triển khai các Quy hoạch Điện trước đây, nhất là Quy hoạch Điện 7 (đã qua 3 lần điều chỉnh, bổ sung) vẫn đang còn nhiều bất cập.
Mặc dù đánh giá cao bản Dự thảo Đề án Quy hoạch Điện 8 (QHĐ 8) khi đã thiết kế tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo (NLTT) lên tới 30% trong tổng công suất nguồn của hệ thống điện quốc gia - là một “bước tiến dài” so với các quy hoạch điện trước, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cũng như phù hợp với xu thế “năng lượng xanh” và sạch hơn của thế giới.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam (thành viên Hội đồng phản biện Đề án QHĐ 8) cho rằng, bản Dự thảo QHĐ 8 lần này vẫn chưa tính toán kỹ lưỡng tới vấn đề lưới truyền tải điện, còn đang ở các phương án nếu/thì - dựa trên cơ sở “kịch bản đề xuất” và tiềm năng của các tỉnh - nên rất khó triển khai trên thực tế. Đó là chưa kể khi nguồn điện NLTT được đưa vào nhiều sẽ gây rủi ro lớn cho hệ thống điện.
“Có thể phân tích rất nhiều đưa vào phụ lục nhưng phải đưa ra một phương án lưới chắc chắn ít nhất là đến 2030 và không được dưới mức giới hạn thì mới làm được, bởi vì bây giờ lưới cho NLTT rất cao. Lưới truyền tải điện bây giờ yêu cầu rất cao vì lưới cho NLTT thì hiệu suất, hiệu quả, thu hồi vốn rất thấp nhưng vì nó là hạ tầng kỹ thuật thì phải làm... đây là một trong cái khó của QHĐ khi đưa vào nhiều NLTT” - ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích.
Theo nhiều chuyên gia thì các cơ sở khoa học cũng như pháp lý để xây dựng Quy hoạch Điện 8 cũng đang thiếu và yếu. Nguồn vốn cho việc triển khai QHĐ 8 cũng rất lớn, cần được nghiên cứu hết sức cẩn trọng trong từng lĩnh vực, từ nguồn điện, lưới điện đến các loại giá, phí, đặc biệt là phí dịch vụ đi kèm… Phải có được thị trường điện, thị trường năng lượng – theo các chuyên gia, đó là yếu tố quyết định đảm bảo triển khai hiệu quả, thành công Quy hoạch này.
Tại Hội thảo lấy ý kiến lần thứ 2 về Đề án Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh với Viện Năng lượng - Cơ quan tư vấn cho cả 2 quy hoạch (là QH Năng lượng và QH Điện lực) về một trong những yếu tố “cốt tử” là cần phải xác định và phân tích kỹ cơ cấu năng lượng tối ưu của nền kinh tế, bởi đây là yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định việc chủ động, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như vận hành an toàn hệ thống điện.
“Ví dụ trong hệ thống điện thì bao nhiêu là an toàn? Với điều kiện phát triển NLTT mà không có hệ thống tích trữ năng lượng thì bao nhiêu là giới hạn của NLTT trong hệ thống điện? Và bao giờ thì chúng ta sẽ bắt buộc việc phát triển NLTT phải đi kèm với các hệ thống lưu trữ năng lượng? Các chi phí đó sẽ được tính vào chi phí cuối cùng của toàn ngành năng lượng trong đó có ngành điện là bao giờ? Những vấn đề này phải phân tích và phải tính với thị trường thế giới” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An đặt câu hỏi.
Thời gian quá ngắn trong việc xin ý kiến cho bản dự thảo
Cùng với kiến nghị nên tính toán, xem xét lại chỉ tiêu về hiệu quả sử dụng năng lượng (cần đặt trong bối cảnh mới - khi Việt Nam đã và đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng hơn) Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng (thuộc Hiệp hội năng lượng Việt Nam) cũng lập luận về dự báo nhu cầu điện trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII chưa đủ thuyết phục khi dẫn chứng “Dự báo nhu cầu điện (tại bảng 6.2) chủ yếu mới căn cứ vào tăng trưởng GDP mà chưa bám sát một trong các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 55-NQ/TW là phải: cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả”.
Ngay cả các kịch bản tăng trưởng GDP trong Dự thảo Quy hoạch tổng thể về Năng lượng quốc gia và Quy hoạch Điện 8 cũng chưa thống nhất…
Theo các chuyên gia, thời gian đưa ra lấy ý kiến về Dự thảo Đề án Quy hoạch Điện 8 là quá gấp, không đủ để các chuyên gia và người dân đọc - hiểu, từ đó có được những đóng góp có chất lượng cho một bản Đề án quy hoạch một ngành kinh tế - kỹ thuật năng lượng dày hơn 1.000 trang giấy (851 trang Đề án + 174 trang phụ lục).
Cụ thể, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương có văn bản (số 828/BCT-ĐL) xin ý kiến các bộ, ngành, nhưng trên thực tế, ngày 22/2/2021 Bộ Công Thương mới đăng tải toàn bộ Dự thảo Đề án QHĐ 8 lên trang web của Bộ và đề nghị đóng góp ý kiến trước ngày 17/3/2021. Tuy nhiên, ngày 26/2/2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản “yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình và Hội đồng thẩm định khẩn trương thẩm định Đề án Quy hoạch Điện 8, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/3/2021…”.
Theo các chuyên gia, với chừng ấy thời gian thì rất khó để có thể có được một bản QHĐ “bảo đảm chặt chẽ, khoa học, nội dung theo định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị” đã đề ra. Quy hoạch Điện 7 với 3 lần điều chỉnh, bổ sung là bài học cần được nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm để triển khai Quy hoạch Điện 8./.