Tại Diễn đàn khoa học thảo luận về Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành mang tên “Công khai, khoa học và trách nhiệm” do Viện Hàn lâm Koa học Xã hội Việt Nam tổ chức sáng 1/6, PGS. TS Trần Đình Thiên cho biết, ý tưởng xây dựng sân bay Long Thành đã được định hình từ cách đây 20 năm trước, được đưa vào quy hoạch phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Từ đó khẳng định, Dự án xây dựng sân bay Long Thành xuất phát từ một cách tiếp cận có tầm nhìn chiến lược và không mang tính chủ quan. Ý tưởng xây dựng sân bay đã được chuyển thành một dự án lớn sau một thời gian dài chuẩn bị công phu.
Làm sân bay Long Thành là cơ hội mang tính thời đại
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, hiện chủ trương về đầu tư xây dựng dự án sân bay Long Thành đang có hai luồng ý kiến. Một luồng ý kiến cho rằng, trong khi việc cải tạo và mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa không đáp ứng được yêu cầu, thì việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn, tương xứng với tầm vóc tương lai của nền kinh tế và của đất nước trong 15 – 20 năm sau, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thiết kế ý tưởng sân bay Long Thành trong hồ sơ quy hoạch được duyệt. (Ảnh: CAAV) |
Một luồng ý kiến khác lại cho rằng, chưa nên xây dựng sân bay Long Thành trong vài chục năm tới vì tốn kém, không có hiệu quả làm gia tăng nợ công quốc gia. Sân bay Long Thành chưa thể chứng minh được tính hiệu quả vì không thể là sân bay trung chuyển với lượng hành khách ít, gây lãng phí…
PGS. TS Trần Đình Thiên cũng cho biết, tại Hội nghị Trung ương 12 diễn ra tháng 4/2015 đã có kết luận khẳng định chủ trương xây dựng sân bay Long Thành. Hiện chủ đề thảo luận đang chủ yếu hướng vào tính đúng đắn và hợp lệ của quy trình xây dựng sân bay Long Thành cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội của việc thực hiện dự án.
Với quan điểm cá nhân, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam cần có một sân bay quốc tế hiện đại trong bối cảnh đang bước vào giai đoạn bùng nổ về phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, việc xây dựng cảng hàng không Long Thành ngoài căn cứ trên các yếu tố lượng hành khách vận chuyển, lượng hàng hóa vận tải qua cảng hàng không trong tương lai cũng phải tính đến khả năng phát triển đột phá của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
PGS. TS Trần Đình Thiên cũng chỉ rõ, hiện vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về lượng hành khách qua sân bay, nhưng lượng vận tải cùng nhiều yếu tố khác cũng là là vấn đề quan trọng cần xem xét, vì khi hình thành cảng hàng không sẽ đi kèm nhiều loại hình dịch vụ có liên quan.
“Căn cứ trên quỹ đạo tăng trưởng kinh tế chung của thế giới, tương lai gần khi Thái Lan hoàn thành đào kênh đào sẽ khiến cục diện vận tải trong khu vực sẽ thay đổi mạnh mẽ, ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Vì thế, chủ trương xây dựng sân bay Long Thành cần tính đến chi phí cơ hội mang tính thời đại trong việc xác định thái độ đối với việc xây dựng sân bay Long Thành”, PGS. TS Trần Đình Thiên nêu rõ.
Nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất sẽ sớm quá tải
Theo TS. Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Hải Âu, việc phản biện đối với dự án xây dựng sân bay Long Thành cần xem phải xét đến dự án theo tổng thể quy hoạch trong một quá trình dài, vì đây không phải là một dự án mới, dự án đã trải qua quá trình nghiên cứu hết sức nghiêm túc.
Trên thực tế theo TS. Lương Hoài Nam, hiện quỹ đất sân bay Tân Sơn Nhất còn quá ít. Nếu cố gắng khai thác tối đa có thể gặp phải nhiều vấn đề khó giải quyết được như việc duy trì hoạt động của sân bay 24/24h trong điều kiện tiếng ồn lớn, khi xu thế của nhiều quốc gia đang phải đóng cửa sân bay vào ban đêm.
Mặt khác, TP HCM sẽ rất khó có thể giải tỏa được dân cư để mở rộng thêm sân bay Tân Sơn Nhất. Hoặc nếu như có thể mở rộng được diện tích sân bay gấp đôi so với hiện nay thì việc kết nối giao thông cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, sân bay Biên Hòa vẫn còn nhiễm lượng dioxin rất nặng nên không thể làm sân bay dân sự.
“Tính tổng hòa, nếu bỏ ra 2 - 3 tỷ USD để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất thì chỉ 10 năm sau sân bay này lại quá tải vì hoạt động hết công suất, khi đó mới lại tính đến xây dựng sân bay mới vừa quá muộn sẽ kéo theo sự lãng phí”, TS. Lương Hoài Nam nói.
Theo phân tích của TS. Lương Hoài Nam, khu vực sân bay Long Thành đã được quy hoạch để hình thành tụ điểm, là nút giao thông đa phương tiện lớn nhất Việt Nam, với sự góp mặt của các tuyến hàng không, nhiều tuyến đường cao tốc và cảng biển tập trung. Hơn nữa, khả năng trung chuyển của sân bay Long Thành là hoàn toàn có thể phát huy được như đã và đang được thực hiện ở sân bay Nội Bài cũng như sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, TS. Lương Hoài Nam cũng cho rằng, để đảm bảo việc tốt chức năng trung chuyển của sân bay Long Thành, cần hội đủ các điều kiện về năng lực cạnh tranh quốc tế, năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không và năng lực cạnh tranh của quốc gia về điểm đến du lịch. Trong trường hợp sân bay không có nhiều khả năng trung chuyển vẫn cần tiến hành, nhưng trong xây dựng cần lưu ý có hành lang trung chuyển cho hợp lý, đạt khoảng 15% khai thác đối với một sân bay là rất đáng quý vì khai thác trung chuyển không mất chi phí.