Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP, đồng thời bổ sung một số chính sách mới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. |
Về quy mô đầu tư dự án PPP, Chính phủ cho rằng muốn hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thì cần dự án có quy mô đủ lớn. Vì vậy dự thảo luật quy định quy mô dự án tối thiểu nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự, định hướng đầu tư các dự án PPP có quy mô vốn đủ lớn đối với các lĩnh vực hạ tầng trọng tâm được quy định tại luật, hạn chế các dự án quy mô nhỏ, dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực.
Từ luận điểm này, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo 2 phương án.
Phương án 1: quy định về quy mô tối thiểu của dự án PPP ngay tại dự thảo luật và giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô chi tiết cho từng lĩnh vực (nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý - PV).
Phương án 2: không quy định quy mô tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về quy mô tối thiểu cho từng lĩnh vực phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về các loại hợp đồng PPP, Bộ trưởng cho biết dự thảo luật cơ bản kế thừa nghị định 63 với 7 loại hợp đồng cơ bản theo 3 nhóm: thu phí từ người sử dụng – BOT, BTO, BOO, O&M; nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ - BLT, BTL; đổi nguồn lực công lấy công trình – BT.
Để bảo đảm quyền lựa chọn của người dân, người sử dụng, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật (khoản 6 điều 40) quy định: đối với các dự án nâng cấp, cải tạo, không áp dụng nhóm hợp đồng mà doanh nghiệp dự án được kinh doanh thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng.
Đối với loại hợp đồng BT, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai loại hợp đồng này với các quy định chặt chẽ, bao gồm việc thanh toán cho nhà đầu tư BT bằng 3 cách thức: Bằng tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; Bằng quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ khác và bằng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công. Đối với mỗi cách thức thanh toán thì tiêu chí đấu thầu được quy định tương ứng.
Về nguồn để bố trí vốn đầu tư công trong dự án PPP Chính phủ đề nghị quy định hình thành dòng ngân sách riêng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Tại dự thảo, Chính phủ trình Quốc hội hai cơ chế bảo đảm của Chính phủ.
Một, với cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ thì đối với từng dự án cụ thể thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ (không áp dụng tràn lan cho tất cả), trong trường hợp thị trường không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp dự án, Chính phủ sẽ xem xét quyết định (bằng nghị quyết) việc cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ trên cơ sở cân đối nguồn lực trong từng thời kỳ. Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.
Hai là cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư, dự thảo quy định cơ chế áp dụng các biện pháp chia sẻ rủi ro về doanh thu trong khuôn khổ hợp đồng bao gồm điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng.
Đối với các dự án PPP do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, sau khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp trong khuôn khổ hợp đồng như nêu trên nhưng chưa bảo đảm được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án (làm ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp dịch vụ công cho người dân), Chính phủ đề xuất áp dụng cơ chế: Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng./.Dự án PPP: Nhà nước phải chia sẻ rủi ro, thiệt thòi với doanh nghiệp