Ngày 8/5, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế làm trưởng đoàn, đã tiến hành giám sát tại tỉnh Gia Lai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (gọi tắt là BOT).
Tại dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn từ Pleiku đi cầu 110, giáp tỉnh Đăk Lăk, đoàn giám sát đánh giá chất lượng công trình khá tốt. Dự án này có chiều dài gần 60km, với tổng số vốn khoảng 1.800 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư. Hiện nay, nhà đầu tư đang thực hiện thu phí tại 2 trạm thu phí trong thời hạn 20 năm 4 tháng. Từ khi khánh thành (tháng 6/2015) tới nay, tuyến đường đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu giao thông, giao thương của người dân.
Đoàn giám sát dự án BOT BOT đoạn từ Pleiku đi câu 110 |
Với dự án BOT trên Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Gia Lai và Bình Định, đoàn giám sát ghi nhận vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc. Tuyến đường mới chỉ được nhà đầu tư là Công ty TNHH BOT 36.71, Tổng công ty 36 thực hiện ở hai đầu và đặt 2 trạm thu phí. Còn đoạn ở giữa, chủ yếu qua thị xã An Khê, huyện Đăk Pơ dài khoảng 40km thì chưa được làm, đường hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng khiến giao thông đi lại rất khó khăn, nên việc thu phí ở hai đầu đã gây ra sự bức xúc đối với người dân.
Anh Nguyễn Duy Khoa, một tài xế xe khách chia sẻ: “Trong khi phí đường bộ đóng hai đầu mà con đường này theo tôi hình dung thì không phải con đường nữa. Đường quá xấu, không phải ổ gà mà ổ voi, ổ trâu. Đây lại là một con đường Quốc lộ, xuyên qua 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia, trục quốc lộ chính để như thế vậy là không đảm bảo an toàn trật tự giao thông trên đường đi”.
Đoàn giám sát làm việc với các bên liên quan về dự án BOT quốc lộ 19 |
Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án theo hình này vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc liên quan tới thu phí, quyết toán đầu tư và các văn bản của các bộ ngành trong việc thực hiện chủ trương đầu tư. Các vấn đề này sẽ được đoàn giám sát tổng hợp và báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội để xem xét. Đối với dự án BOT trên Quốc lộ 19, ông Nguyễn Đức Kiên, chỉ ra một số vấn đề đáng quan tâm.
Ông Nguyễn Đức Kiên nêu rõ: “Có những đoạn căng thẳng nhất, nguy hiểm nhất trên tuyến là khu vực đèo An Khê thì chưa thực hiện được. Tồn tại chúng ta thấy là, trước hết về mặt quản lý nhà nước, công tác bổ sung triển khai các dự án thành phần đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là kéo dài quá lâu. Một tồn tại nữa là các cơ quan quản lý nhà nước ban hành các văn bản nhưng chưa có sự đồng bộ, thống nhất với nhau, dẫn đến tình trạng văn bản của bộ này hạn chế sự thông thoáng của bộ khác. Một vấn đề nữa là triển khai dự án nhưng kế hoạch triển khai chưa đồng bộ, việc thông xe toàn tuyến Quốc lộ 19 là còn khó khăn”./.