Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X và các Nghị quyết của Đảng về doanh nghiệp nhà nước, về cơ bản, doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước đã có đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vẫn còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò nòng cốt trong khu vực kinh tế Nhà nước. Vậy làm thế nào để nâng cao hiệu quả đóng góp cho xã hội của doanh nghiệp nhà nước?
Hiện nay, hệ thống doanh nghiệp nhà nước đã và đang đổi mới, sắp xếp lại theo chủ trương của Đảng, Chính phủ và tiếp tục khẳng định vai trò chi phối đối với nhiều ngành kinh tế cũng như đóng góp quan trọng vào đời sống kinh tế - xã hội.
Năm 2013, các doanh nghiệp nhà nước đã nộp ngân sách 297.000 tỷ đồng, bằng 36% tổng thu ngân sách cả nước. Đã có 85/91 tập đoàn, tổng công ty đã xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có 68 đơn vị đã được phê duyệt đề án cụ thể.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đã có một số lượng đáng kể các doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng tạm thời khó khăn.
“Ngân hàng Công thương Việt Nam luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp xây dựng và hoàn chỉnh phương án cùng tháo gỡ vướng mắc. Trong đó có việc ban hành những cơ chế phù hợp nhằm tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông Thọ cho biết.
Để nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước, theo các chuyên gia, cần xác lập khuôn khổ hoạt động phù hợp. Doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng, quốc phòng và an ninh.
Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bán vốn mà nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường; Tách bạch nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, công ích. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế và mô hình thực hiện quyền sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, yêu cầu đầu tiên của doanh nghiệp nhà nước là phải đảm bảo tính bền vững về tài chính. Các doanh nghiệp phải tạo ra được tỷ lệ lợi nhuận ít nhất cũng tương đương bằng với trái phiếu chính phủ.
“Phải xem xét lại quy trình sản xuất, chất lượng công nghệ, đội ngũ cán bộ công nhân viên, năng lực bộ máy lãnh đạo làm sao đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Trong giai đoạn hiện nay cần tập trung đảm bảo tính bền vững về tài chính như là điểm đầu tiên xuất phát”, ông Nguyễn Đình Cung nêu rõ.
Theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tất cả doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp nhà nước đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường.
Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo quy định của Hiến pháp, đặc biệt các thủ tục gia nhập thị trường và các chế định hoạt động trên thị trường; xóa bỏ mọi cơ chế, chính sách tạo ra bất bình đẳng trong cơ hội kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực và trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính.
“Để thực hiện được theo các hướng này, Việt Nam cần tiếp tục quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tăng cường hơn nữa việc thể chế hóa bằng những quy định của pháp luật về những đặc thù của doanh nghiệp nhà nước, cũng như quy định về đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước trong doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh cổ phần hóa và bán vốn nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, nâng cao năng lực quản trị và công khai minh bạch tất cả các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước”, ông Huệ chỉ rõ.
Doanh nghiệp nhà nước có vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế. Đây cũng là lực lượng nòng cốt trong tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, bảo đảm các sản phẩm quan trọng của nền kinh tế và đóng góp ngân sách nhà nước, bảo đảm các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính vì vậy, doanh nghiệp nhà nước cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để phát huy hơn nữa vai trò then chốt của khối doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường./.