Nền kinh tế Việt Nam đã qua nửa đầu của năm 2014 với nhiều thử thách. Đặc biệt, tình hình căng thẳng ở Biển Đông trong 2 tháng nay như một biến số, đã và đang có những tác động khó lường tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh như vậy, kinh tế 6 tháng vẫn tiếp tục có bước tăng trưởng khá, và như nhận định của các chuyên gia kinh tế: nền kinh tế đã bắt đầu thoát “đáy”. Đáng chú ý là theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, niềm tin kinh doanh của khối doanh nghiệp đã quay trở lại. Vấn đề đặt ra là cần tiếp thêm sức mạnh niềm tin bằng nhiều chính sách, giải pháp cụ thể, để các doanh nghiệp vững vàng vượt khó, góp phần thúc đẩy quá trình tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế trong thời gian tới.
Trong 6 tháng đầu năm, tỉ lệ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2013, nhưng số vốn đăng ký tăng gần 20%. Trong số 7.000 doanh nghiệp ở mẫu khảo sát nhanh về mức lợi nhuận 6 tháng, thì có tới gần 3/4 số này trả lời là kinh doanh có và tăng lợi nhuận so với năm trước. Đây là những số liệu mà Tổng cục Thống kê- Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa công bố cách đây ít ngày, trong báo cáo thống kê tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm. Những số liệu tưởng chừng khô khan, nhưng lại là những con số biết nói, bởi nó đã cho thấy tín hiệu rõ rệt nhất của sự phục hồi tăng trưởng kinh tế: Quy mô doanh nghiệp thành lập mới lớn hơn; doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất có lợi nhuận tốt hơn 6 tháng trước đây.
Điều này tương đối phù hợp với những nhận định của các chuyên gia kinh tế vào thời điểm kết thúc năm 2013, sau khi Chính phủ đã triển khai hàng loạt các giải pháp vĩ mô, cho hiệu quả tốt như kiểm soát lạm phát, lập lại trật tự thị trường vàng, ngoại tệ, điều hành giảm lãi suất ngân hàng…
Ngay cả sau sự cố gây rối tại các khu công nghiệp hồi cuối tháng Năm, thì những biện pháp hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương từ động viên tinh thần tới vật chất, cùng những chính sách như hoãn, miễn thuế… đã giúp các doanh nghiệp bị thiệt hại nhanh chóng khôi phục sản xuất, đa số tiếp tục đầu tư trang thiết bị, mở rộng quy mô.
Với các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể như khối doanh nghiệp từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc – vốn dĩ đánh giá cao sự ổn định về môi trường đầu tư nước ta, sau cách xử lý các vụ việc để bảo đảm môi trường đầu tư của Chính phủ Việt Nam – đã thực sự tin tưởng. Biểu hiện rõ nhất qua kết quả khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh lần thứ 15 do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam tiến hành mới đây, chỉ số này đã quay trở về giai đoạn rất tốt của năm 2011, và số lượng doanh nghiệp châu Âu phản hồi tích cực đã đạt trên mức trung bình, so với mức dưới trung bình của năm trước. Khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn xuất siêu, để 6 tháng đầu năm, xuất siêu cả nước đạt 1,3 tỷ USD.
Trong khó khăn, phải ghi nhận những nỗ lực to lớn, chủ động vươn lên của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp dân doanh, kiên trì nhẫn nại trong đầu tư đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường. Họ đang chuẩn bị tâm thế để cạnh tranh sòng phẳng trong các sân chơi thế giới, khu vực. Nhất là khi thời điểm hình thành cộng đồng ASEAN tiến tới rất gần, và thời điểm tự do hóa thương mại hoàn toàn theo Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN chỉ còn một năm rưỡi nữa là có hiệu lực, từ 1/1/2016.
Rất cần có thêm nhiều, nhiều nữa những cái tên Việt, những liên kết kinh doanh để nhân lên sức mạnh, để doanh nghiệp Việt không còn li ti như hạt cám trong thị trường mênh mông, dễ bị “thổi bay”, đè bẹp.
Chưa lúc nào, câu chuyện tự chủ kinh tế lại được đặt ra mạnh mẽ như trong bối cảnh hiện nay. Tự chủ, không có nghĩa là một mình, tự làm- tự ăn, mà tự chủ trong thế giới hội nhập, là xây dựng được thương hiệu, biết liên kết, tạo dựng vị thế bình đẳng trong các quan hệ kinh tế, trong các đàm phán song phương và đa phương. Thậm chí, có thể cầm trịch thị trường những lĩnh vực ta có thế mạnh, như các loại nông sản thuộc nhóm xuất khẩu nhất nhì thế giới. Và điều cốt lõi, phải xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp mạnh.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua 6 tháng đầy thử thách, với niềm tin kinh doanh trở lại. Bên cạnh sự năng động, chủ động vượt khó của doanh nghiệp, rất cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng, gỡ bỏ thủ tục hành chính phiền hà, sách nhiễu. Khung pháp lý về đầu tư kinh doanh, cần nhanh chóng được hoàn thiện thông qua việc sửa đổi các quy định không còn phù hợp, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Các chính sách vĩ mô cần nhất quán, ổn định, dễ đoán định, để doanh nghiệp có những hoạch định chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh lâu dài, căn cơ. Có như vậy, niềm tin kinh doanh mới trở thành động lực để doanh nghiệp phát triển bền vững./.