Sáng nay (27/5), tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông tin chuyên đề về Nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết 35) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

tbnh_jece.jpg
Văn phòng Chính phủ họp báo thông tin chuyên đề về Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Tại buổi họp báo, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Nghị quyết 35 nêu rõ mục tiêu đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết cũng đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên là cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh; giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Về những điểm mới của Nghị quyết 35, ông Lê Mạnh Hà cho biết: “Lần đầu tiên chúng ta đưa ra trong Nghị quyết là doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế; không hình sự hóa cũng là điểm được hoan nghênh, từ nguyên tắc đến giao nhiệm vụ cho Bộ Công an, UBND các tỉnh thành... Thanh tra, kiểm tra chỉ được thực hiện 1 lần/năm. Nếu các tỉnh, thành ký cam kết và thực hiện đúng thì tình hình sẽ khác hẳn. Điểm quan trọng nữa là thống kê các chi phí chính thức và không chính thức, đánh giá gánh nặng như thế nào với doanh nghiệp và đưa ra biện pháp để giải quyết”.

Theo Nghị quyết 35, kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp phải được công khai trước để tránh trùng lặp, chồng chéo; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý thuế. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá 1 lần/năm).

Trả lời câu hỏi của phóng viên khi cho rằng, với quy định thanh tra mỗi năm 1 lần như vậy có đảm bảo việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời vi phạm của doanh nghiệp, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những quy định này để hạn chế những hành vi làm dụng quyền lực làm phiền, làm khó doanh nghiệp, nhưng không đồng nghĩa với việc dung túng, bao che, thả lỏng hành vi vi phạm của doanh nghiệp.

“Chúng tôi cũng cố gắng theo thông lệ quốc tế, thường là kiểm tra liên ngành về thuế, hải quan, môi trường... Nhưng những trường hợp cụ thể mà cơ quan bảo vệ pháp luật đã theo dõi thì quyền nghiệp vụ vẫn còn”, ông Đông cho biết.

Liên quan đến các khoản thuế, phí mà doanh nghiệp phải nộp, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, chi phí chính thức cho các khoản thuế, phí doanh nghiệp phải nộp theo ước tính vào khoảng 40% lợi nhuận tạo ra.

“Đây là mức cao so với khu vực. Chính vì thế trong Nghị quyết giao cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tính toán và điều tra để ra mức cụ thể, đồng thời so sánh với các nước trong khu vực và đưa ra kiến nghị với Chính phủ để cải thiện vấn đề này”, bà Hằng cho biết./.