Bức xúc về việc có quá nhiều các cuộc thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp vận tải trong thời gian qua, tại Hội nghị giao ban quý I của Bộ GTVT, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, theo quy định hiện hành, giá cước vận tải ô tô không do nhà nước quy định mà để cho thị trường điều chỉnh. Các đơn vị vận tải ô tô chỉ thực hiện kê khai giá cước theo quy định liên Bộ Tài chính - Giao thông cùng với các Sở GTVT và công bố công khai đối với khách hàng.

ttra_wlnq.jpg
Hiệp hội vận tải cho rằng có quá nhiều cuộc thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp vận tải. (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, theo phản ánh của các hội viên thuộc Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, hiện nay có quá nhiều những cuộc thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp vận tải. Trong 1 năm, tháng nào cũng có các đoàn kiểm tra doanh nghiệp đến từ Bộ, Cục cho đến các sở đã khiến các doanh nghiệp vận tải rất căng thẳng. Cá biệt có những tháng ngày nào doanh nghiệp vận tải cũng phải đón tiếp các đoàn kiểm tra.

Do đó, Chủ tịch Nguyễn Văn Thanh đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của doanh nghiệp, không kiểm tra liên tục về giá cước của các doanh nghiệp vận tải trong thời gian qua.

“Việc kê khai giá cước qua Sở Tài chính rất phiền hà, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần vẫn bị yêu cầu phải diễn giải. Đề nghị cơ quan nhà nước không gắn việc kê khai giá cước để cản trợ sự kinh doanh bình thường của doanh nghiệp vận tải. Có Sở GTVT yêu cầu kê khai, yêu cầu giảm giá cước nếu không sẽ không cấp phù hiệu cho xe của doanh nghiệp hoạt động. Tình trạng thanh kiểm tra vẫn đang diễn ra thường xuyên”, ông Thanh bức xúc cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng thừa nhận và đánh giá cao sự đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, nâng cấp các tuyến quốc lộ. Việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa đã nâng cấp hàng nghìn km đường quốc lộ, đặc biệt là Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14.

Tuy nhiên, ông Thanh đề xuất nhà nước cần xem xét lại mức phí cũng như lộ trình tăng phí đường bộ vì hiện nay ở một số tuyến đường BOT, mức phí đường bộ đang tăng cao hơn chi phí nguyên liệu gây xáo trộn trong giá cước vận tải.

“Nhà nước cũng cần xem xét lại các cự ly của các trạm BOT, nên gom các trạm thu phí để cố gắng tiếp cận với quy định 70Km/trạm bởi hiện nay có tuyến Hà Nội – Thái Bình với 100km nhưng có 4 trạm thu phí là quá gần và quá ngắn”, ông Thanh nói.

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam cũng kiến nghị Nhà nước cần buộc các nhà đầu tư BOT phải áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, lắp đặt các trạm thu phí không dừng để giảm thời gian chờ đợi, tăng tốc độ lưu thông, gảm chi phí vận tải vì xe phải dừng lại để thu phí và đảm bảo công khai minh bạch trong thu phí. Triển khai xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải quá khổ đang có dấu hiệu tái phát.

Cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 56 theo hướng tạo thuận lợi cho các xe vào tuyến cố định là hết sức cần thiết, ông Thanh cho biết, hiện nay việc xe ra, vào tuyến cố định quá phức tạp, đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện nhiều xe dù, bến cóc.

Bên cạnh đó, công tác quản lý xe xe hợp đồng, xe du lịch cần phải được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Việc quản lý xe taxi Uber cũng cần phải được rà soát tạo được sự bình đẳng với taxi truyền thống.

Đặc biệt trên tuyến vận tải Hà Nội - Hải Phòng, Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề xuất các lực lượng chức năng cần xử lý ngay hiện tượng bảo kê, đầu gấu gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến tâm lý hành khách và hoạt động bình thường của các doanh nghiệp vận tải./.