Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho rằng kiểm tra chuyên ngành đang là một gánh nặng đối với ngành dệt may.
Kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 70% thời gian thông quan
Theo ông Cẩm, dệt may là một ngành thâm dụng lao động và lưu lượng xuất nhập khẩu rất lớn. Các chế độ chính sách của nhà nước liên quan đến xuất nhập khẩu đều tác động mạnh đến ngành dệt may Việt Nam.
Nhiều quy định quản lý không phù hợp đang gây khó cho ngành dệt may (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Cẩm đánh giá vài năm gần đây, có tín hiệu đáng mừng từ các cơ quan quản lý nhà ước tập trung tháo gỡ khó khă cho doanh nghiệp đã có kết quả tương đối tích cực. Một số chính sách ban hành ra chưa phù hợp đã được sửa đổi, bổ sung (bảo hiểm, thuế xuất nhập khẩu..). Tuy nhiên, hiện khó khăn nhãn tiền là chính sách về lao động, bảo hiểm xã hội, trong đó tăng lương tối thiểu thường xuyên hằng năm ở mức cao tác động đến chi phí nhân công, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Chỉ tính giai đoạn 2008-2016, mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp trong nước đã tăng bình quân 26,4%/năm và đối với các doanh nghiệp FDI đã tăng 18,1%/năm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng trong giai đoạn này tăng bình quân 10,7%, năng suất lao động tăng 3,9%.
Bởi vì, “theo quy định, lương tối thiểu là căn cứ xác định mức lương khởi điểm, khi tăng lương tối thiểu thì các bậc lương đều tăng, chi phí đóng bảo hiểm tăng. Thực tế người hưởng lương có thể được thực hưởng tăng lương không nhiều, nhưng doanh nghiệp phải tăng chi phí đóng bảo hiểm rất nhiều. Chi phí đóng công đoàn phí cũng cao. Cho nên, so với các nước cạnh tranh xuất khẩu dệt may thì ngành dệt may Việt Nam đang khó khăn hơn”- ông Cẩm phân tích.
Dẫn chứng rõ hơn về thời gian kiểm tra chuyên ngành với hàng nhập khẩu vẫn kéo rất dài, ông Cẩm cho biết điển hình như thủ tục hun trùng cho bông vải nhập khẩu mất khoảng 10-15 ngày. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tổng hợp, kiến nghị nhiều lần với các cơ quan liên quan, song doanh nghiệp phản lại là tình trạng này vẫn chưa được giải quyết.
Doanh nghiệp phát khóc vì quy định
Liên quan đến quy định về kiểm tra formaldehyt cho vải, sản phẩm dệt may, ông Cẩm chỉ rõ Thông tư 37/2015 của Bộ Công Thương sửa Thông tư 32/2009 nhưng vẫn gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, chi phí giám định hàm lượng formaldehyt là 2 triệu đồng mỗi mẫu vải. Thậm chí đối với các lô hàng nhập khẩu về làm mẫu theo hình thức chuyển phát nhanh, có khi chỉ có 5-10 mét vải, doanh nghiệp vẫn phải kiểm định hàm lượng formaldehyt và chi phí vẫn như vậy.
Hay như trong ngành dệt may hiện nay có nhiều doanh nghiệp nhập máy in về nhưng theo quy định của Bộ Thông tin – Truyền thông và Nghị định 60 của Chính phủ, muốn được cấp phép nhập khẩu máy in trong ngành này, chủ doanh nghiệp phải có bằng cấp về quản lý hoạt động in ấn từ trình độ cao đẳng trở lên hoặc được Bộ Thông tin - Truyền thông cấp chứng nhận đủ điều kiện quản lý hoạt động in. Tuy nhiên, việc học để có chứng nhận đó cũng không đơn giản. Đây là quy định không phù hợp khiến doanh nghiệp bức xúc. Ông Cẩm đề nghị cần sửa đổi nghị định, thông tư về việc này.
Bình luận thêm về thực trạng này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định Thông tư 37 không bám theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, phần nhiều không lắng nghe doanh nghiệp. Vấn đề đã kéo dài nhiều năm. “Tôi đã từng tham dự một cuộc đối thoại với doanh nghiệp và thấy một doanh nghiệp phát khóc khi phát biểu và nói rằng đây sẽ là lần cuối cùng họ kiến nghị, vì đã kiến nghị quá nhiều mà không thấy tiếp thu. Hy vọng tân Bộ trưởng Công Thương sẽ giải quyết rốt ráo vấn đề này” - ông Cung nhấn mạnh./.