Nhiều triết lý, định nghĩa về hoạt động kinh doanh được ông Nguyễn Mạnh Hùng, tân Tổng giám đốc Viettel đưa ra đã thu hút được sự chú ý của dư luận và ảnh hưởng không nhỏ đến cả thị trường viễn thông Việt Nam.
Chia sẻ với Câu lạc bộ học viện Lãnh đạo FPT - FLI Club cách đây 5 năm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, khi đó là Phó Tổng giám đốc Viettel đã khiến mọi người phải thực sự nể phục bởi những trải nghiệm và triết lý kinh doanh của ông trong thời gian qua.
Những bài học kinh doanh của ông Nguyễn Mạnh Hùng ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường viễn thông Việt Nam (Ảnh :KT) |
1. “Những người nào làm khác mình là giỏi hơn mình”
Trong câu chuyện của ông Nguyễn Mạnh Hùng với các nhà lãnh đạo Tập đoàn FPT - tập đoàn đối thủ của Viettel trên nhiều lĩnh vực, ông có nói, nếu có người hỏi ông vì sao ông không lập một công ty để đánh lại FPT, ông sẽ trả lời rằng: “Tôi nghĩ lại thấy nếu bây giờ làm một công ty để đánh lại FPT chắc tôi cũng đủ tiền làm, nhưng làm để làm giỏi như FPT thì chắc là không có cửa. Viettel chỉ có một cửa duy nhất để hơn được FPT là làm cái khác đi.”
2. “Chiến lược chỉ học được nhau về mặt tư tưởng, nhận thức chứ bắt chước nhau là khó”
Vị lãnh đạo này nhận định, thứ nhất, chiến lược của mỗi công ty gắn rất nhiều vào văn hóa của công ty. Một chiến lược mà không phù hợp về văn hóa thì rất khó triển khai.
Thứ hai, chiến lược cũng liên quan tới tầm nhìn. Trong cuộc sống chúng ta không có tầm nhìn đúng hay tầm nhìn sai, mà có rất nhiều tầm nhìn đúng, chỉ có điều khác nhau, vì là từ các công ty khác nhau. Vì thế chiến lược cũng khác nhau.
Thứ ba, khi bàn chuyện chiến lược thì phải bàn về cái gốc của chiến lược. Chiến lược nếu sao chép mà không hiểu cái gốc thì không thể triển khai được. Vì vậy, Viettel sẵn sàng chia sẻ chiến lược của mình cho các đối thủ.
3. “Nhiều khi có những việc mình nghĩ là nó rất phức tạp thì hóa ra nó lại không phức tạp như thế”
Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ một câu chuyện kinh doanh: “Khi đó chúng tôi đang gặp bài toán về thiết kế mạng. Vì không biết gì nên chúng tôi thuê hãng tư vấn hàng đầu thế giới là AirCom. Hãng này thiết kế cho chúng tôi một mạng lưới 150 trạm, mỗi trạm hết 7.000 USD, mất 2 tuần để gửi sang Anh rồi lại gửi về để thiết kế tiếp.
Chúng tôi hỏi ông giám đốc nọ: “Bọn tao chắc cần phải thiết kế nhiều trạm, vậy mà cứ 2 tuần mới xong 1 trạm, hết 7.000 USD một trạm thế này thì đắt tiền lắm. Nếu cần làm khoảng 2.000 trạm thì mất tới 140 triệu USD.”
Ông giám đốc thấy vậy cười, hỏi “Chúng mày đã đọc những bản thiết kế đó chưa?” “Chưa đọc, tài liệu dày quá không đọc được.” “Vậy thì mày cứ đọc đi, đọc xong sẽ thấy là các bản thiết kế đó 99% là giống nhau, chỉ có 1% khác nhau là tọa độ của các trạm thôi.” “Vậy sao bản thiết kế lại dày như thế?” “Thì lấy 7.000 USD thì phải có bản thiết kế dày chúng mày mới chịu trả tiền chứ sao. Còn ở chỗ tao thì rất đơn giản, tao cứ vẽ trạm theo hình mắt lưới, cứ 800m tao đặt một trạm, chỗ nào nhiều thuê bao thì đặt 400m một trạm. Làm như thế tao thiết kế xong 2.000 trạm trong vòng một ngày.”
Nghe đến đó thì mình bừng sáng, vội vã đem cái đó về triển khai cho Viettel. Đó chính là lý do vì sao mọi người thấy Viettel triển khai trạm nhanh như thế.”
4. “Trong lĩnh vực kinh doanh viễn thông, khi thị trường bắt đầu bão hòa thì nhận thức của người tiêu dùng là không thay đổi được”
Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, khi ông và một số lãnh đạo Viettel gặp đến giám đốc kinh doanh người Úc, cậu kể cho câu chuyện về khủng hoảng kinh tế năm 97, 98. Trước khủng hoảng, công ty này đứng thứ nhất Indo. Vì khủng hoảng kinh tế nên công ty không đủ tiền, đành dừng đầu tư. Trong khi đó có một công ty cạnh tranh của nhà nước, được Nhà nước bơm tiền thì đã phát triển rất nhanh và nhanh chóng chiếm vị trí số 1. Đến năm 2003, khi công ty này đã bắt đầu hồi phục, bèn bơm rất nhiều tiền, thậm chí bơm gấp đôi công ty nhà nước kia để giành lại vị trí số 1 nhưng không thể lấy lại được.
Từ bài học đó, ông nhận ra rằng, nếu tạo được nhận thức ngay từ đầu là mạng viễn thông số 1 thì mãi mãi sẽ là số 1, nếu tạo nhận thức là mạng viễn thông thành phố thì dù có phủ sóng toàn quốc thì người dùng vẫn chỉ cho là mạng viễn thông thành phố.
5. “Người ta chạy ra thì mình chạy vào, người ta chạy vào thì mình chạy ra”
Đây là triết lý kinh doanh của nhà tỷ phú Hồng Kông Ly Ka Sing và Viettel đã áp dụng rất tốt các chiến lược kinh doanh theo bài học của nhà tỷ phú này. Đó là khi mọi người làm thành phố thì Viettel về nông thôn. Khi mọi người về nông thôn thì Viettel ra thành phố.
Quảng cáo cũng vậy. Mới đầu chưa có công ty viễn thông nào làm quảng cáo cả. Viettel vì mới ra đời nên buộc phải quảng cáo, nên trở thành độc diễn trên truyền hình. Đến khi các nhà mạng khác nhận thức ra vai trò của quảng cáo, họ quay về làm quảng cáo.
6. “Nỗi sợ hãi”
Ông Hùng nhấn mạnh, Viettel sợ nhất là thành công, vì như ta đều biết, sau thành công sẽ là sự đi xuống.
Ông Hùng chia sẻ “Ngày hôm nay Viettel đang đứng số 1 chiếm tới 48,5%, và đối thủ đứng thứ 2 kém khoảng 10%. Chúng tôi đang phải giải nỗi sợ hãi đó.”
7. “Phải tạo ra những khó khăn mới, để thấy mình không còn là số 1 nữa”
Viettel quan niệm, để tạo ra động lực phát triển, Viettel phải vươn ra nước ngoài để thấy mình còn yếu và phải học hỏi nhiều điều nữa. “Ra Đông Nam Á, chúng tôi không còn là số 1 nữa mà chỉ là thứ 8, thứ 9, không phải đánh với VinaPhone, MobiFone mà đánh với Singapore Telecom, Malaysia Telecom, toàn những ông “kinh khủng” cả. Viettel đang nghĩ rằng đó là cách để chúng tôi phải phấn đấu tiếp.”, ông Hùng chia sẻ.
Ông cũng cho biết, ông tin rằng con người chỉ thực sự gắn bó với nhau khi thực sự khó khăn. Chỉ có khó khăn mới đồng cam cộng khổ, chứ khi sướng thì chỉ cần… đồng sở thích là đủ. Muốn duy trì tổ chức, theo tôi 1 trong những kỹ năng của người dẫn đầu là luôn phải tạo ra những khó khăn mới.
8. “Đừng bao giờ cho không ai cái gì. Cho không là tự hạ mình và còn làm hỏng cả chính người sử dụng”
Đó là bài học Viettel rút ra từ câu chuyện đưa điện thoại về nông thôn. Chính phủ cho Viettel 2 năm để đưa được 5 triệu máy về nông thôn. Và cách tốt nhất Viettel nghĩ là cho không.
Tuy nhiên, vì cho không máy nên người nông dân chẳng thấy nó có giá trị lắm. Máy khoảng 500 ngàn mà người vứt chuồng trâu, người làm rơi xuống đất, hỏng lại lên xin cái khác. Đó là một thất bại, Viettel mất khá nhiều tiền cho vụ này.
“Thay vào đó, như trước kia, tôi cho không anh 15.000 tiền gọi miễn phí, giờ tôi bắt anh đóng 15.000 rồi tôi cho anh gọi 30.000. Hai cái này bản chất là giống nhau nhưng cách thứ hai khác hẳn. Nó bắt người kia phải có ý thức.”, ông Hùng chia sẻ.
9. “Quan trọng là xác định được đích đến, còn anh đi đường nào cũng được, dọc đường vừa đi vừa chỉnh”
Ông Hùng luôn tâm niệm, 9quan trọng nhất là xác định được đích đến. Có câu chuyện rằng nếu muốn tìm ra được một giải pháp đáp ứng được 70% yêu cầu thì có thể ban chỉ mất một giờ. Nhưng tìm được giải pháp đáp ứng 80%, bạn có thể mất 3 tháng, và đáp ứng tới 90% thì bạn mất tới 6 tháng hoặc hơn. Và chẳng bao giờ bạn tìm được giải pháp đáp ứng 100%.
Vậy thì chi bằng bạn nghĩ ít thôi, cứ chọn lấy một giải pháp 70% để tiến đã, rồi vừa đi vừa chỉnh, sẽ nhanh hơn rất nhiều. Với điều kiện, phải nhìn thấy cái đích của nó, giống như một ngôi sao dẫn đường cho bạn vậy.
10. “Làm thương hiệu bắt nguồn từ triết lý kinh doanh”
Đó là bài học ông Hùng học được sau khi đọc cuốn “Xây dựng để trường tồn”. Tác giả có nghiên cứu về một số công ty và triết lý công ty, cho thấy rằng có 50 công ty thành công, đều là công ty có triết lý, không quan trọng là hay hay không, mà quan trọng là triết lý ấy có sự xuyên suốt.
Điều đó cho thấy, mình thành công hay không cần có triết lý, nó là cái lõi, xương của chúng ta. Cho dù thay đổi thế nào, vẫn cần có một thứ giữ nguyên không đổi là triết lý. Kế hoạch có thể thay đổi theo năm, chiến lược 2-3 năm thay đổi một lần, còn triết lý thì phải giữ nguyên./.