Liên quan đến việc các đơn vị cung cấp máy tàu đề nghị sửa chữa máy tàu cho ngư dân, chiều nay (17/6), trao đổi với phóng viên VOV, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, chủ trương của tỉnh là các đơn vị đóng tàu phải thay máy mới cho ngư dân. Việc thay máy mới phải do chính doanh nghiệp đóng tàu thực hiện, không phải do nhà cung ứng máy tàu.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Công ty Hoàng Gia Phát là đơn vị cung cấp máy cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an). Tuy nhiên, người dân hợp đồng với Công ty Nam Triệu chứ không phải hợp đồng với Công ty Hoàng Gia Phát.

tau_ca_33s_nlmr_rfnr.jpg
Tàu cá vỏ thép của ngư dân mới đóng đã bị hỏng.
Vì vậy, khi Công ty Hoàng Gia Phát làm đơn gửi lãnh đạo tỉnh và ngư dân đề nghị sửa chữa máy tàu tỉnh sẽ ghi nhận nhưng không đồng ý vì không đúng theo quy định.

Ông Trần Châu khẳng định, Công ty Hoàng Gia Phát hợp đồng với Công ty Nam Triệu thì Hoàng Gia Phát phải chịu trách nhiệm với Công ty Nam Triệu.

Về tiến độ sửa chữa tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 nằm bờ vì hư hỏng, ông Trần Châu, cho biết, 2 Công ty Nam Triệu và Đại Nguyên Dương hứa sẽ khắc phục bằng cách mua máy mới để lắp đặt lại toàn bộ cho các tàu mà trước đây họ lắp đặt không đúng chủng loại.

Công ty Đại Nguyên Dương cũng hứa sẽ đem các con tàu về để sửa chữa những bộ phận đặt thép không đúng chất lượng. Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải hoàn thành việc sửa chữa trong tháng 6 này để ngư dân kịp ra khơi đánh cá, nếu chậm sửa chữa sẽ xử phạt theo hợp đồng.

“Trong thời gian tàu không hoạt động được, các Công ty đóng tàu phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại do không đánh bắt cá được cho ngư dân. Tỉnh cũng đã chỉ đạo cho Sở NN&PTNT phối hợp với ngư dân và 2 công ty không để ngư dân thiệt thòi. Mức đền bù sẽ được thương lượng bằng cách lấy số lãi bình quân từ các năm trước đây”, ông Châu cho biết./.