Phần lớn các ngành công nghiệp ở Việt Nam đang được kiểm soát xả thải theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp - QCVN 40. Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp, trong đó hầu hết là ngành gây ô nhiễm nặng như sản xuất thép, giấy, dệt nhuộm… lại được xả thải theo quy chuẩn riêng.

Tại Việt Nam, các ngành như sản xuất thép, công nghiệp giấy và bột giấy, chế biến thủy sản, sơ chế cao su thiên nhiên, ngành dệt nhuộm, kho và cửa hàng xăng dầu, nước thải chăn nuôi và sản xuất cồn nhiên liệu có quy chuẩn riêng về xả thải.

qcvn_nwnf.jpg
Một số ngành công nghiệp được xả thải theo quy chuẩn riêng khiến công tác quản lý, phòng chống ô nhiễm gặp khó khăn. (Ảnh minh họa:KT)
Theo đó, quy chuẩn chung về nước thải công nghiệp yêu cầu nước thải đảm bảo 33 chỉ tiêu kỹ thuật trước khi ra môi trường, thì ngành sản xuất thép chỉ có 12 chỉ tiêu, ngành công nghiệp giấy và bột giấy quy định 8 chỉ tiêu. Các chỉ tiêu phải đáp ứng cũng được nới lỏng hơn so với quy chuẩn chung.

Cụ thể là ở ngành thép, chỉ tiêu xyanua (một trong hai độc tố gây ra hiện tượng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung) được phép xả thải gấp 5 lần mức cho phép của quy chuẩn chung; ngành sản xuất giấy được phép xả thải COD gấp 1,4 đến 2 lần quy chuẩn chung.

Theo các chuyên gia về môi trường, một số ngành cần có quy chuẩn riêng do đặc thù sản xuất. Một số chỉ tiêu muốn xử lý được về quy chuẩn chung, đòi hỏi chi phí rất lớn; Có chỉ tiêu không thể đạt được do trong quá trình xử lý, các chất tương tác, kiềm chế lẫn nhau, nên không thể xử lý triệt để.

Song song đó, việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam chưa sát thực tế, chưa kể đến việc tuân thủ các quy chuẩn của cả cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp còn hạn chế.

TS. Trần Hiếu Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Kĩ thuật nước và Công nghệ môi trường cho biết, trong 20 năm nay, vấn đề đô thị hóa, công nghiệp hóa phát triển cực mạnh trong khi quy hoạch và quy chuẩn của Việt Nam vẫn chưa theo kịp thực tiễn xã hội.

“Trong phát triển các khu công nghiệp, thường chúng ta vẫn xây khu công nghiệp rồi mới xây dựng quy chuẩn, quy hoạch. Trong khi thực tế, nhiều cơ sở công nghiệp hình thành trước, sau đó mới hình thành nên khu công nghiệp. Bên cạnh đó, việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam, của các doanh nghiệp còn rất hạn chế”, TS. Trần Hiếu Nhuệ đánh giá.

Trong khi đó, TS. Lê Hoàng Lan, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường cho rằng, nhiều nước trên thế giới cũng đang áp dụng các quy chuẩn ngành, tuy nhiên, họ có quy hoạch thông số ô nhiễm chi tiết, xác định giá trị tối đa cho từng sông, từng lưu vực cụ thể dựa trên sức chịu tải của môi trường và khả năng tự làm sạch của lưu vực. Trong khi Việt Nam đưa ra quy chuẩn dựa trên lưu lượng, dung tích xả thải và mục đích sử dụng của nơi tiếp nhận.

“Các nước ban hành quy chuẩn ngành thường để đơn vị đầu tư thay đổi công nghệ, chọn công nghệ tốt nhất thỏa mãn quy chuẩn. Nếu không phải chọn được địa điểm xả thải có khả năng làm sạch tự nhiên tốt hoặc là phải đưa vào nơi có hệ thống xử lý đạt chuẩn trước khi xả thải. Rất tiếc là tại Việt Nam, việc này chưa được chú ý đến khiến những người ở trong ngành cũng rất băn khoăn về quy chuẩn ngành của Việt Nam”, TS. Lê Hoàng Lan chia sẻ.

Các quy chuẩn ngành được ban hành nhưng lại không có quy hoạch. Hệ quả là ở cùng một vùng, các nhà máy xả thải theo các quy chuẩn khác nhau, dẫn đến bất bình đẳng. Theo TS. Trần Thế Loãn, nguyên Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, việc xây dựng và ban hành quy chuẩn môi trường phụ thuộc vào 3 yếu tố là nhu cầu phát triển kinh tế, khả năng kinh tế của các doanh nghiệp và yêu cầu bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư. Ba yếu tố này có khi mâu thuẫn với nhau, vì thế quy chuẩn môi trường cần thường xuyên thay đổi để có thể hài hòa 3 yếu tố.

“Quy chuẩn môi trường ngày càng phải chặt hơn do yêu cầu của người dân ngày càng cao là được sống trong môi trường trong lành. Yêu cầu phát triển kinh tế hiện nay đã qua giai đoạn mời gọi đầu tư bằng mọi giá nên quy chuẩn cần được rút ngắn thời gian soát xét để phù hợp với các bên liên quan. Làm quy chuẩn quan trọng nhất là dựa trên sức chịu tải của môi trường của từng khu vực”, TS. Trần Thế Loãn khẳng định.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, quy chuẩn môi trường ở Việt Nam có thể phù hợp với giai đoạn thu hút đầu tư mạnh. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới, không đánh đổi đầu tư bằng mọi giá thì cần phải rà soát, xem xét lại các quy chuẩn môi trường.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có Chỉ thị số 25 về giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường, yêu cầu rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hoàn thành trong năm 2017.

Cùng với định hướng mới là “phát triển kinh tế bền vững, phát triển không đánh đổi môi trường”, các vấn đề môi trường nói chung, quy chuẩn môi trường nói riêng sẽ được xem xét kỹ lưỡng, tiến tới phù hợp và sát hơn với thực tiễn./.