Đó là chia sẻ của nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ Bỳ Văn Tứ. Ông Bỳ Văn Tứ, sinh năm 1946, quê tại huyện Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên), tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ chế biến dầu khí tại Rumani. Năm 1971, sau khi tốt nghiệp về nước, ông gắn bó với ngành Dầu khí cho đến khi nghỉ hưu với nhiều đóng góp quan trọng.
Với ông, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt quá trình công tác là niềm vinh dự khi được tham gia tổ chức thực hiện xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Đây cũng là dự án mà ông tâm đắc nhất và trọn vẹn nhất trong cuộc đời làm ở ngành Dầu khí của mình.
Ông Bỳ Văn Tứ chia sẻ: "Năm 2001, tôi được điều về làm Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Công việc điều hành dự án vào thời điểm đó phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tiên phải thấy rằng, quyết sách của Chính phủ xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ là một quyết định dũng cảm! Cuối năm 2000, giá phân urê có lúc xuống dưới 100 USD/tấn và có ý kiến cho rằng Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ sẽ không có hiệu quả kinh tế.
Khi làm Nhà máy Đạm Phú Mỹ ngày ấy nhiều người không tin tưởng ngành Dầu khí có thể làm được, họ cho rằng “không phải nghề, nghề đó phải thuộc ngành Hóa chất Việt Nam”, trong khi đó, ngành Hóa chất cùng với các đối tác nước ngoài đã nghiên cứu, làm tính toán cho rằng lỗ rồi bỏ đi. Sự quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ và của lãnh đạo Tổng công ty Dầu khí Việt Nam tự đầu tư Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã tạo cho chúng tôi niềm tin trong quá trình triển khai dự án.
Chúng tôi phải thuyết phục mọi người tin và ủng hộ việc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam có thể thực hiện dự án thành công. Niềm tin chỉ được củng cố qua hành động và thực tiễn. Rồi thuyết phục các ngân hàng Việt Nam cho vay vốn thay vì vay ngân hàng nước ngoài. Chủ đầu tư cam kết giải ngân đúng tiến độ và trả cả lãi và gốc đúng hạn. Các cam kết đã được thực hiện nghiêm túc.
Dự án có chỗ dựa vững chắc là sản xuất phân đạm phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước và đa dạng hóa việc sử dụng khí thiên nhiên. Nhưng nó chỉ thực sự thành công khi đạt hiệu quả cao.
Với sự đồng lòng của từng thành viên cán bộ, công nhân, sự kết hợp của đội ngũ kỹ sư trẻ mới ra trường được đào tạo cơ bản với lực lượng kỹ sư giàu kinh nghiệm đã hỗ trợ, bổ sung cho nhau nắm vững kỹ thuật, làm chủ công nghệ, kỹ năng quản lý dự án từ khâu lập quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư tới chuẩn bị sản xuất. Vì vậy các khâu công việc được dự tính và tổ chức thực hiện một cách bài bản.
Cùng với việc chọn được công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, tổng thầu uy tín, tư vấn giỏi, quản lý tốt, tiến độ nhanh, chất lượng công trình cao, tiết kiệm chi phí, phối hợp tốt với các cơ quan quản lý Nhà nước và địa phương đã đảm đương được công việc từ khi đàm phán hợp đồng, xúc tiến công việc xây lắp, chạy thử tới lúc nghiệm thu đưa vào sản xuất là những mục tiêu cụ thể trong kế hoạch hành động của chúng tôi vào thời điểm ấy. Rất may là tất cả những mục tiêu này đều được hoàn thành một cách nhịp nhàng".
Ông cũng tâm sự rất chân thật rằng, không phải lúc nào công việc cũng thuận buồm xuôi gió. Nhiều lúc, vừa phải tập trung nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ công trình vừa phải chống đỡ, đối phó với những tác động xấu đến ngành Dầu khí giai đoạn năm 2002-2004. Ông luôn tâm niệm, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ phải thành công. Đây cũng chính là lời hứa danh dự của ông với Thủ tướng, với lãnh đạo ngành Dầu khí khi nhận nhiệm vụ.
Vượt qua tất cả, công trình được đánh giá là rất thành công. Lần đầu tiên một công trình trọng điểm nằm trong Chương trình khí - điện - đạm của Nhà nước đạt được cả 3 mục tiêu: Chất lượng, tiến độ và hiệu quả. Tiến độ xây dựng được hoàn thành trong 34 tháng. Chi phí đầu tư 380 triệu USD; so với tổng dự toán được duyệt là 445 triệu USD, thì tiết kiệm được 65 triệu USD; so với hạn mức đầu tư 486 triệu USD thì tiết kiệm được 106 triệu USD.
Ngày 21/9/2004, Nhà máy Đạm Phú Mỹ chính thức được bàn giao từ nhà thầu cho chủ đầu tư là Công ty Phân đạm và Hóa chất Phú Mỹ. Kể từ đó, nhà máy sản xuất đạm thuộc vào loại hiện đại nhất thế giới của Việt Nam được vận hành bởi đội ngũ kỹ sư và công nhân Việt Nam.
Ông Bỳ Văn Tứ xúc động cho hay, công trình đã hoàn thành mỹ mãn với “đứa con đầu lòng” của ngành hóa dầu Việt Nam, đó là công sức của rất nhiều người. Trải qua hơn 16 năm hoạt động, nhà máy luôn hoạt động an toàn, ổn định, đạt và vượt công suất thiết kế, góp phần quan trọng trong việc ổn định nguồn cung phân bón cho thị trường trong nước và là một điểm sáng của ngành Dầu khí. Riêng ông, điều tâm đắc nhất là đã được đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình vào một công trình thành công cho ngành Dầu khí nói riêng và đất nước nói chung./.