Năm 2012 mặc dù đã kiểm soát được lạm phát nhưng mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phát triển rất thấp, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong nợ xấu và hàng tồn kho. Số doanh nghiệp tại Việt Nam đăng ký mới giảm cả về số lượng và tổng số vốn, trong khi đó, số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động lại tăng lên, rơi nhiều vào khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Không có vốn - sản xuất đình trệ - không trả được lãi vay ngân hàng... là vòng luẩn quẩn. (Ảnh: VnEconomy) |
Ông Vũ Quốc Tuấn - nguyên Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng, năm 2012, trong số khoảng 100.000 doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động, tỷ lệ rơi vào các DNNVV chiếm khá nhiều, đấy là chưa kể nhiều hộ kinh doanh cá thể chưa được liệt vào loại hình doanh nghiệp. Chính vì điều này dẫn đến tình trạng sức mua kém, lượng hàng tồn kho tăng, vốn tín dụng ứ đọng không có ai vay.
“Đúng là DNNVV đang thiếu vốn, việc triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm trễ và chưa đều khắp. Bên cạnh đó, thuế là vấn đề đau đầu nhất đối với các doanh nghiệp khu vực này. Nhiều câu hỏi đặt ra là khi nào giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các DNNVV trong khi thực tế các doanh nghiệp này đang ở tình cảnh rất khó khăn bi đát” – ông Tuấn phân trần.
Cho rằng môi trường kinh doanh chưa bình đẳng đã dẫn tới các doanh nghiệp năm vừa qua phá sản và ngừng hoạt động rất nhiều, và số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động lại tập trung vào khối các doanh nghiệp tư nhân, DNNVV, ông Bùi Quang Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đã không có quy luật đào thải tự nhiên bởi “khi nhiều doanh nghiệp khối tư nhân năng động, làm ăn hiệu quả thì lại phá sản, còn doanh nghiệp trì trệ, bết bát trong khối doanh nghiệp nhà nước lại sống khỏe” – đấy là vấn đề bất cập và vô lý.
“Chúng ta đang có bàn luận rất sôi nổi về chuyện giải cứu thị trường bất động sản. Tuy nhiên hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh khoảng 0,1% trong giai đoạn 2008 – 2012. Nếu chúng ta dùng khoảng 30.000 tỷ đồng để cứu thị trường này thì đấy là cách làm ngược. Trong khi nhiều ngành có sự đóng góp mạnh cho sự tăng trưởng kinh tế như sản xuất, chế tạo, xuất khẩu… tham gia vào chuỗi giá trị phát triển và là những điểm sáng của nền kinh tế năm 2012 thì lại không được giải cứu” - ông Bùi Quang Tuấn băn khoăn.
Khu vực DNNVV mặc dù chiếm tới 95% số lượng doanh nghiệp và sau này có lẽ là lực lượng quan trọng nhất của nền kinh tế. Tuy nhiên hiện nay, khu vực DNNVV đang ở trong giai đoạn tự thân vận động, chưa được sự hỗ trợ thích đáng và cụ thể từ phía nhà nước, cụ thể như mặt bằng cho vay vốn rất sản xuất, kinh doanh, giảm hàng tồn kho còn cao tới 13% - 14%/năm. Nếu DNNVV phải chịu lãi ở mức độ này thì chắc chắn sẽ không thể tồn tại được.
“DNNVV cần phải được hỗ trợ ngay chính từ nguồn vốn ban đầu, điều này đang thể hiện cho thấy vai trò từ phía nhà nước là chưa đạt yêu cầu. Thiết nghĩ, đối với khu vực doanh nghiệp này cần phải có ngay biện pháp giải cứu bằng cách giảm lãi suất cực thấp. Nếu khu vực doanh nghiệp này phải chờ đến sự hỗ trợ từ phía nhà nước sau nhiều thời gian thảo luận nữa thì e rằng, sẽ không còn có cơ hội tồn tại, kéo theo sự hồi phục của tăng trưởng kinh tế không thể thực hiện được ngay thông qua khu vực doanh nghiệp này” – ông Tuấn chỉ rõ.
Mặc dù có động thái từ phía nhà nước, nhưng theo ông Tuấn thì đó là là cách phân bổ nguồn lực còn có vấn đề và sai lệch. Việc kích thích sản xuất thông qua gói cứu trợ vẫn chỉ là việc làm luẩn quẩn, không dứt điểm và chệch hướng.
“Chúng ta cần phải cứu những thị trường nào có đóng góp trực tiếp cho sự tăng trưởng thì nên làm, riêng đối với thị trường bất động sản còn phải luẩn quẩn tại chỗ trong vòng 3 – 4 năm nữa, bởi để giải quyết vấn đề này là phải cần rất nhiều tiền, trong khi chúng ta chưa giải quyết được vấn đề đầu ra, thậm chí là chúng ta còn phải tính đến việc vay tiền người nước ngoài như thế nào” – ông Tuấn lo ngại.
Góp ý về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV trong báo cáo kiến nghị đối với nhà nước, ông Vũ Quốc Tuấn cho rằng, cần phải thay đổi thể chế, cơ chế, chính sách đối với DNNVV mạnh mẽ hơn nữa. Mặc dù chúng ta đã tiến hành cải cách hành chính nhưng gần đây thủ tục hành chính vẫn đè nặng DNNVV. Ngoài ra, với các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hiệp hội, Hội… mà trong đó, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) là tổ chức đi đầu, cần chú trọng hơn nữa, phát huy hơn nữa việc trợ giúp DNNVV trong điều kiện khó khăn hiện nay.
“Tổ chức hiệp hội nên chủ động tìm hiểu rõ những khó khăn thực tại từ đó có kiến nghị thật mạnh mẽ và xác thực gửi tới Quốc hội, Chính phủ về các vấn đề của các doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Đặc biệt cần phải nêu rõ đây là trách nhiệm của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp trong tình hình mới trên tinh thần góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp hiện nay” – ông Tuấn nêu rõ.
Đại diện cho tổ chức chính trị nghề nghiệp, là cơ quan đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế thời gian vừa qua đã mất đi nhiều, cần thiết phải nghiên cứu, ban hành luật về DNNVV trong thời gian tới. Về thuế, phí cần phải quy định rõ ràng, có ưu đãi đối với riêng DNNVV, cần đề cao vai trò của doanh nghiệp đồng thời cần phải có có chương trình hỗ trợ cụ thể, liên kết giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Thông tin mới nhất từ ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ ngày 17/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Quỹ Phát triển DNNVV để hỗ trợ các doanh nghiệp này có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, phù hợp với mục đích hoạt động của Quỹ.
Theo đó, ngân sách Nhà nước sẽ cấp 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ cho quỹ này phát triển để hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực này nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động./.