Phát biểu tại hội thảo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2014 với chủ đề "Thành quả cải cách phát triển 2014 và một số vấn đề chính sách năm 2015-2016” ngày 11/2, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đề cập đến tầm quan trọng của việc xây dựng trật tự thị trường, bởi đang có một số quan niệm không đúng. Trong đó, ông nhắc đến câu chuyện tăng giá điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Bình luận về mối liên hệ giữa Bộ Công Thương với EVN và giá điện, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: Vấn đề không phải là tăng giá bao nhiêu, mà là cách thức EVN tăng giá.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Bộ Công Thương lại bảo vệ đề xuất và phương án tăng giá điện thay cho EVN. Bộ đồng ý tăng giá để bù đắp thua lỗ cho doanh nghiệp. Thay vì bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, Bộ lại “bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN”.
“Cách thức hợp lý trước mắt đáng ra là Bộ Công Thương phải rà soát, đánh giá chi phí sản xuất điện, tham vấn các chuyên gia, tham vấn người tiêu dùng và các bên liên quan, qua đó, kiểm soát giá điện bảo vệ lợi ích chung của người tiêu dùng, chứ không phải bảo vệ lợi ích của EVN”, ông Cung nói.
Ông Cung khẳng định, ngành điện không thể có những tuyên bố mang tính thách đố và mặc cả như: Không tăng giá thì EVN sẽ phá sản và sụp đổ ngành điện. "Có thể EVN phá sản thì ngành điện Việt Nam mới phát triển được, chứ không phải kéo lui sự phát triển của ngành điện”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Về trung và dài hạn, TS Nguyễn Đình Cung đề nghị tách EVN thành nhiều phần, tách riêng sản xuất và phân phối với chuyển tải điện. Trong đó, Nhà nước chỉ giữ độc quyền chuyển tải điện. Đó mới là chỗ Nhà nước cần nắm, còn lại phải thay đổi để thị trường điều tiết. Như thế mới có nhiều người sản xuất điện, lúc đó mới thiết lập được thị trường điện cạnh tranh như nhiều nước đã làm được./.