Thông tin được ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết tại cuộc họp báo diễn ra chiều 30/12, khi giải đáp câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề nhập khẩu điện từ Trung Quốc.

Ông Tuấn cho biết, từ năm 2004, Việt Nam đã trải qua nhiều năm với tình trạng thủy văn khô hạn, hệ thống các nguồn điện đang xây dựng chưa vận hành, thủy điện nước ta gặp khó khăn đã khiến sản lượng điện thiếu hụt trầm trọng ở miền Bắc, trước tình hình này EVN phải ký hợp đồng mua điện của Trung Quốc.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, sản lượng điện của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm mạnh. Năm 2012, EVN vẫn còn nhập 3,2 tỷ kWh nhưng đến năm 2014 EVN chỉ còn nhập 2,29 tỷ kWh. Dự kiến đến năm 2015, lượng điện nhập từ Trung Quốc chỉ còn 1,8 tỷ kWh và cũng trong năm 2015, EVN hết hạn nhập khẩu điện từ Trung Quốc.

dscn2649_yveb.jpgGiá điện nhập khẩu thấp hơn nhiều nhiệt điện chạy than và khí. (Ảnh minh họa: KT)
Phân tích lợi ích từ việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc, ông Tuấn cho rằng, giá điện nhập khẩu vẫn thấp hơn nhiều điện sản xuất từ nhiệt điện chạy than, hay điện phát tuabin khí và cao hơn một số nhà máy thủy điện trong nước. Ước tính, giá điện mua của Trung Quốc thấp hơn so với giá bán điện chạy khí khoảng 500 đồng/kWh.

Nhận định hiệu quả của việc mua điện từ nước ngoài, ông Đinh Quang Tri, Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, việc mua điện của nước ngoài là hoàn toàn bình thường với nhiều quốc gia trên thế giới. Việc làm này nhằm tăng công suất dự phòng khi nguồn điện trong nước đột xuất thiếu hụt, chưa có nguồn bổ sung thì việc liên kết lưới điện là chiến lược. 

Lãnh đạo EVN còn cho biết, đối với các nước ASEAN, EVN cũng tham gia liên kết lưới điện, đặc biệt là các nước tiểu vùng sông Mekong. EVN đã liên kết lưới điện đối với Lào, Campuchia và sắp tới là Thái Lan nhằm tận dụng công suất dư thừa.

“Thời gian xây dựng 1 nhà máy điện phải mất hơn 50 tháng, chưa kể công đoạn đàm phán. Việc kết nối lưới điện giữa các nước làm cho dự phòng lưới điện cao lên và chi phí đầu tư giảm đi”, ông Tri chỉ rõ.

Ông Tri cũng lấy ví dụ thực tế, hiện nay mặc dù miền Bắc đã đủ điện, nhưng một số vùng biên giới như Móng Cái vẫn có điện áp thấp do việc truyền tải điện đi xa, vì vậy việc dùng điện của Trung Quốc gần hơn sẽ ổn định hơn./.