Theo quy định tại Luật Đầu tư 2014, hiện tại Việt Nam có 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện kinh doanh trực tiếp ở bề nổi, trong khi thực tế, vẫn còn hàng nghìn điều kiện kinh doanh dưới dạng “con”, “cháu”, tạo ra rào cản pháp luật đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như cản trở quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.
Báo cáo về Điều kiện Kinh doanh 2017 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới công bố cho thấy, 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư 2014 mới chỉ là ngành nghề "mẹ", còn tại các lĩnh vực "mẹ" lại sản sinh ra hàng trăm điều kiện kinh doanh “con”, “cháu”.
Trong đó, ba lĩnh vực có tình trạng điều kiện kinh doanh chồng lấn, xếp tầng lên nhau gây nhức nhối nhất là: lĩnh vực tài chính có 20 ngành nghề kinh doanh “mẹ”, và 60 điều kiện kinh doanh “con”, “cháu”; xây dựng có 17 điều kiện kinh doanh “mẹ”, 26 điều kiện kinh doanh “con”, “cháu”; Giao thông vận tải điều kiện kinh doanh “mẹ” có hơn 30 nhưng điều kiện kinh doanh “con cháu” lên đến hơn 60…
Ví dụ, kinh doanh khí gas muốn thành lập tổng đại lý thì phải thành lập đại lý, nhưng để cấp phép đại lý thì phải được sự chấp thuận của tổng đại lý. Hay một sản phẩm thực phẩm sản xuất trong nước phải “cõng” nhiều, thậm chí hàng chục giấy phép con, vì tất cả nguyên liệu, phụ liệu, bao bì và thành phẩm đều phải xin giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Nên khi doanh nghiệp chỉ thay đổi một số chi tiết nhỏ về nguyên liệu như nhà cung cấp nguyên liệu, quy cách đóng gói… doanh nghiệp đều phải xin cấp lại giấy phép cho nguyên liệu đó mới được đưa vào sản xuất, gây chậm trễ và tốn kém cho doanh nghiệp.
Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam cho rằng: yêu cầu đăng ký giấy phép con trái luật đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, làm cản trở rất lớn tới quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa trong khi không mang lại giá trị thực tiễn về quản lý an toàn thực phẩm.
Ông cho biết: Hiện Nghị định 38 đang được sửa đổi theo yêu cầu của Nghị quyết 19 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tuy vậy, quy định về giấy phép con vẫn được giữ nguyên, như vậy là không đúng với tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ.
Sự cứng nhắc trong quản lý đang hạn chế sức sáng tạo của thị trường. Rất nhiều điều kiện kinh doanh đang không theo kịp sự vận động của nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Sơn, rủi ro do chính sách và hệ thống pháp luật là thứ rủi ro mà doanh nghiệp không thể lường trước được nhưng hệ lụy lại khôn lường, nó khiến doanh nghiệp mất thời gian, tốn kém chi phí, thậm chí còn có thể khiến doanh nghiệp không thể tồn tại được.
Ông Sơn cho biết: Xin phép xây dựng qua Sở xây dựng, nhưng Bộ Xây dựng lại yêu cầu chủ đầu tư phải nộp toàn bộ hồ sơ của dự án, bao gồm hồ sơ dự án phòng cháy chữa cháy, tác động môi trường, điểm đấu điện, cấp nước, phát nước… Do vậy, thực chất Bộ Xây dựng lại là xét cả thủ tục để cấp giấy phép thay cho Sở, sau đó Sở lại làm lại việc đó. Tất cả quy trình đó làm cản trở công tác đầu tư.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, điều kiện kinh doanh ngày càng tinh vi và phức tạp. Bởi còn có rất nhiều quy định bất hợp lý ẩn mình trong các văn bản pháp luật khác đang cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ: nhiều ngành, nghề kinh doanh không cần giấy phép nhưng phải có thông báo giá; chứng chỉ giấy xét nghiệm, giấy ủy quyền hay phải dán tem cho sản phẩm…
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: Việc dễ dàng đặt ra giấy phép kinh doanh mà nhiều trong số đó là không hợp lý, gây phiền hà, tốn kém cho hoạt động kinh doanh, trước hết là do thói quen quản lý, rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước muốn đặt ra giấy phép để dễ dàng trong quản lý của mình, mặc dù nó có thể gây hậu quả rất lớn cho doanh nghiệp. Thứ 2, có bóng dáng của lợi ích, bởi đằng sau điều kiện kinh doanh là những trung tâm xét nghiệm, những nơi được cấp phép, chứng chỉ… để thu phí. Và nhiều điều kiện kinh doanh được sử dụng như 1 công cụ để gạt doanh nghiệp nhỏ ra khỏi thị trường bởi khi đặt ra điều kiện kinh doanh cao thì những doanh nghiệp nhỏ chen chân vào rất khó.
Do những quy định kinh doanh bất hợp lý nên hiện có nhiều doanh nghiệp lựa chọn cách thành lập kinh doanh ở nước ngoài để rồi quay trở về Việt Nam hoạt động nhằm “lách” quy định của Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cùng với việc rà soát và sửa đổi các quy định pháp luật thì các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự thay đổi tư duy nhận thức sâu sắc để thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm rủi ro cho các doanh nghiệp.
Ông Hiếu cho rằng: rất cần 1 cơ quan ít tính hành chính, có tính chuyên môn cao, đặc biệt trong lĩnh vực về điều kiện kinh doanh. Cơ quan đó phải được thành lập 1 cách độc lập và có nhiệm vụ cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Trước đây chúng ta cũng đặt ra định mức cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý nhưng tôi cho rằng cần mạnh mẽ ở 1 chừng mực nào đó là cắt giảm một cách cơ học, là cứ giảm, thậm chí giảm 50% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Còn nếu chỉ nói là giảm những điều kiện không cần thiết, không hợp lý thì rồi đa số sẽ lại là hợp lý, cần thiết rồi cái giảm sẽ không có.
Điều kiện kinh doanh đang được ví với tảng băng chìm nhưng để có thể phá bỏ được tảng băng chìm này là điều không dễ dàng. Thực tế đòi hỏi vẫn cần điều kiện kinh doanh ở một số ngành nghề và mặt hàng để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, với không ít điều kiện kinh doanh đang tồn tại thì việc làm cần thiết là nhanh chóng rà soát và hủy bỏ những điều kiện kinh doanh bất hợp lý để tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch./.
Thủy sản chết ở Khánh Hòa: Doanh nghiệp đền bù 6,6 tỷ đồng