Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện vẫn còn 9 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã hội đủ điều kiện để cấp phép xuất khẩu gạo theo quy định Nghị định 109/NĐ-CP của Chính phủ và đang chờ Bộ Công Thương quyết định.
Thời gian chờ cấp phép xuất khẩu gạo có thể kéo dài từ vài tháng đến hơn 1 năm. (Ảnh: NLĐO) |
Thực hiện quy định của Nghị định 109/NĐ-CP, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều nỗ lực xây dựng mới hoặc nâng cấp dây chuyền chế biến lúa gạo, xây dựng nhà kho, bến bãi...
Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 26 doanh nghiệp hoàn thành các điều kiện để được cấp phép xuất khẩu gạo theo quy định. Tuy nhiên, Bộ Công Thương mới chỉ cấp phép cho 17 doanh nghiệp, còn 9 doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi.
Theo Sở Công Thương, thời gian chờ đợi này có thể kéo dài từ vài tháng đến hơn 1 năm. Một trong số 9 doanh nghiệp đang chờ cấp phép xuất khẩu là Công ty Kinh doanh và xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên, một công ty lớn có vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng tại cụm công nghiệp Trường Xuân, huyện Tháp Mười.
Công ty Cẩm Nguyên đã đầu tư xây dựng mới hoàn chỉnh cụm lò sấy, dây chuyền xay xát, lau bóng gạo công suất 300 tấn/ngày và cụm kho có sức chứa trên 55.000 tấn, tất cả các khâu đã hoàn thành, chạy thử nghiệm và được Sở Công Thương Đồng Tháp xác nhận đủ điều kiện hoạt động cách đây đã hơn 3 tháng. Hiện Công ty Cẩm Nguyện đang rất trông chờ được Bộ Công Thương cấp phép xuất khẩu gạo.
Bà Hồ Phương Huyên - Giám đốc Công ty Cẩm Nguyên cho biết, hiện tại khách hàng của doanh nghiệp đang có xu hướng gia tăng nên Công ty rất cần có giấy phép xuất khẩu.
Nghị định 109/NĐ-CP của Chính phủ ban hành cách đây 3 năm đã cải thiện được tình hình tiêu thụ lúa gạo của nông dân. Các doanh nghiệp đã có sự nỗ lực trong đầu tư để nâng cấp hoặc xây dựng mới hệ thống chế biến, kho chứa để đáp ứng các điều kiện của Nghị định.
Việc Sở Công Thương Đồng Tháp đề nghị Bộ Công Thương sớm cấp phép xuất khẩu cho các doanh nghiệp đủ điều kiện nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, góp phần giải quyết tốt khối lượng lương thực trong từng mùa vụ, kích thích nông dân sản xuất./.