Theo TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, trong lịch sử phát triển của nhân loại, kinh tế thị trường mà nòng cốt của nó là kinh tế tư nhân là con đường đem lại sự thịnh vượng cho các quốc gia. Nếu kinh tế tư nhân không được coi trọng thì sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, dẫn con số thống kê từ năm 2005 đến nay, TS. Du cho thấy đóng góp của kinh tế tư nhân(không tính hộ kinh doanh cá thể) chỉ chiếm khoảng 10% GDP, một con số rất thấp. Vai trò của kinh tế tư nhân của VN thực chất là vô cùng khiêm tốn, khối FDI chính là khu vực đóng góp nhiều nhất cho GDP là một thực tế không vui chút nào.
Nguyên nhân dược TS Du dẫn ra thứ nhất là kinh tế tư nhân không được coi trọng, thứ tự ưu tiên đứng cuối cùng trong một thời gian rất dài; đầu tiên là DNNN, sau đến FDI rồi cuối cùng mới đến kinh tế tư nhân.
Thứ hai, chính sách đối phó với trục trặc của chúng ta giống như “thêm dầu vào lửa” đã thúc đẩy tâm lý đầu cơ ngắn hạn mạnh hơn so với đầu tư dài hạn đã làm khối kinh tế tư nhân không phát triển.
Nếu nhìn vào sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp trong những năm gần đây thì thấy rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là cỗ máy thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi hầu hết những tổng công ty lớn của Nhà nước, từ những ngành có những lợi thế về tài nguyên hay độc quyền đều có vấn đề và gây gánh nặng cho nền kinh tế.
"Tất cả các quốc gia đã thành công và trở nên phát triển đều đi theo con đường tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, cơ chế thị trường được hoạt động ngày một tốt hơn." TS. Huỳnh Thế Du phân tích.
"Quan sát kinh tế tư nhân trong 4 thập niên, tôi nhận ra có một số điểm thú vị", TS. Huỳnh Thế Du nói.
Cụ thể, nếu như cuối những năm 1970, tư nhân không được phép làm thì đến cuối 1980, kinh tế tư nhân lại được buông lỏng quá mức dẫn đến việc dù có tiến triển đáng kể nhưng cũng tạo khủng hoảng các hợp tác xã tín dụng.
Đến cuối 1990, nền kinh tế thu về một số kết quả rất tốt. Tuy nhiên, hiện tượng một số doanh nghiệp tư nhân lớn đi đầu cơ tài sản, gây ra trục trặc cuối những năm 1990. Đến thập niên 2000, câu chuyện trở nên phức tạp hơn, khi xuất hiện thêm vấn đề lợi ích nhóm từ khu vực kinh tế tư nhân.
Tóm lại, từ khi đổi mới đến nay, vai trò của kinh tế tư nhân là rất quan trọng nhưng kinh tế tư nhân cũng vừa đóng vai trò là "người hùng" cũng đồng thời có thể trở thành "kẻ tội đồ".
Theo đánh giá của TS. Huỳnh Thế Du, sự lớn nhanh bất thường của một số doanh nghiệp lớn mà theo mô tả của ông là “mức độ lớn nhanh hơn cả Cheabol Hàn Quốc là một rủi ro lớn đối với kinh tế Việt Nam.
Ông cho rằng, sự phát triển của kinh tế tư nhân cũng đồng thời tạo ra những quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm,...Đặc biệt là một số doanh nghiệp lớn đầu cơ bất động sản, đầu tư đa ngành bằng tiền của chung, tiền vay từ ngân hàng trong khả năng kiểm soát rủi ro có giới hạn”, TS. Du nói.
“Tất cả các cuộc khủng hoảng trên thế giới đều xuất phát từ việc chạy theo lợi ích ngắn hạn cá nhân." TS. Du ví von rằng, "nếu các DN tư nhân có xảy ra trục trặc, thì cũng giống như con bạc, khi "khát nước" thì mức độ rủi ro càng khủng khiếp hơn."
"Do đó, các cơ quan điều hành chính sách phải đặc biệt lưu ý đến những doanh nghiệp lớn nhanh bất thường, đầu tư ra ngoài ngành hiện nay. Bởi nếu nhìn vào lịch sử thì nền kinh tế VN vô cùng mong mạnh, chỉ cần một vài DN lớn gặp trục trặc thì cả nền kinh tế bị ảnh hưởng.” TS. Du kiến nghị.
Ở góc độ cải cách thể chế, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: “Chúng ta phải tạo môi trường cho tư nhân phát triển để người làm ăn lành mạnh có thể phát triển được, còn những doanh nghiệp dựa vào cơ chế, dựa vào quen biết, luồn lách không có đất phát triển. Bởi những ai làm ăn kiểu gian dối với những ai làm ăn chân chính cùng tồn tại thì chắc chắn những doanh nghiệp làm ăn chân chính không có đất mà sống”./.
Doanh nghiệp đầu tư thế nào để bứt phá thời 4.0?