Năm 2019, kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại cùng với những diễn biến địa chính trị khó lường. Đối với kinh tế Việt Nam, các tổ chức quốc tế vẫn có những đánh giá hết sức tích cực như Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2019 vẫn đạt mức tăng trưởng 6,6% - là mức cao trong khu vực Đông Á- Thái Bình Dương.

Thiếu cơ chế cho doanh nghiệp bứt phá

Tại cuộc đối thoại “Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ bứt phá” do Kênh truyền hình Kinh tế tài chính (VITV) tổ chức diễn ra cuối tuần qua, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, ngoài những yếu tố có lợi thế để tận dụng như các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ứng dụng khoa học công nghệ, thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0 thì Việt Nam phải coi phát triển kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng, giúp kinh tế Việt Nam bứt phá. Trong đó, tháo bỏ rào cản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển là mục tiêu tiên quyết.

doanh_nghiep_tu_nhan_lteo.jpg
 Thiếu cơ chế cho doanh nghiệp bứt phá (ảnh minh họa: KT)

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã có rất nhiều sự linh hoạt hơn các doanh nghiệp nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực quốc gia. Trong bức tranh phát triển kinh tế nói chung, nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân được hậu thuẫn từ các nguồn lực của quốc gia, nhưng nguồn tài nguyên đó rồi cũng có thể cạn kiệt, nên chất lượng tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp tư nhân liệu có giữ vững được trong sự cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước hay không là câu hỏi cần được trả lời.

“Trong tương lai nếu Việt Nam không tìm ra được mô hình mới, công thức hay sự tiếp cận mới sẽ là rất khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân nói riêng, trong bối cảnh cạnh tranh ở cấp độ cao và các kịch bản kinh tế đang thay đổi mạnh mẽ”, ông Đoàn lưu ý.

Cũng theo ông Đoàn, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung có nguồn lực không nhiều, nhất là khi các nguồn lực từ tài nguyên quốc gia lại đang nằm rất nhiều trong khối các doanh nghiệp nhà nước. Nếu tính tổng lượng vốn của các doanh nghiệp nhà nước đang quản lý còn gấp nhiều lần doanh nghiệp tư nhân.

“Nếu chỉ hiệu quả hóa vấn đề kinh tế thông qua việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để phát huy được nguồn vốn đang nắm giữ, tạo thành thế đứng vững chắc hơn trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay sẽ là bài toán dài hơi của kinh tế Việt Nam”, ông Đoàn lưu ý.

Ở góc độ doanh nghiệp nhà nước, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex cho rằng, để doanh nghiệp tư nhân bứt phá được phụ thuộc vào hai yếu tố: Bản thân Chính phủ có tạo ra cơ hội để cho doanh nghiệp tư nhân phát triển và bản thân các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực, đủ trình độ cũng như quyết tâm để bứt phá hay không?

Trả lời cho câu hỏi này, ông Thanh cho rằng, vấn đề đầu tiên là nhà nước cần phải tạo cơ chế cho doanh nghiệp nhỏ bứt phá. Ngay trong câu chuyện bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước, trước nay nhà nước vẫn phải bán cổ phần chậm, từ từ mà không thấy có việc bán nhanh, dứt điểm.

Doanh nghiệp nhỏ không được đối xử công bằng

Ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Trường đạo tạo QTKD BizUni, đồng sáng lập Cộng đồng Quản trị và khởi nghiệp cho rằng, doanh nghiệp tư nhân đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế đất nước. Ở những quốc gia khác, kinh tế và doanh nghiệp tư nhân là thành phần chính của nền kinh tế, nhưng ở Việt Nam, kinh tế tư nhân chỉ chiếm dưới 40% GDP, trong đó các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp tư nhân còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, doanh nghiệp nhà nước còn chiếm tỷ lệ lớn nên điều này cần phải được thay đổi dứt điểm.

“Không chỉ trông chờ vào cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bởi kinh tế tư nhân là động lực chính. Khi nhà nước chỉ phân bổ nguồn lực tốt nhất cho kinh tế nhà nước mà coi nhẹ kinh tế và doanh nghiệp tư nhân chắc chắn sẽ không ổn. Khi coi kinh tế và doanh nghiệp tư nhân là cỗ máy chính thì phải giảm đóng góp của khối kinh tế nhà nước, nếu không sẽ rất khó phát triển nhất là khi kinh tế tư nhân không được đối đãi công bằng”, ông Chánh lưu ý.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp lớn và nhỏ muốn hiện thực hóa các thuận lợi cần phải liên kết, tìm kiếm để có được sự hỗ trợ và có những ưu đãi, khuyến khích để cùng có lợi để phát triển.

Cụ thể, các hiệp hội các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu, khai thác những quy định mới trong các FTA để liên kết chặt chẽ với nhau, tạo ra những đối trọng cũng như cộng hưởng sức mạnh trong cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. “Doanh nghiệp nhỏ cũng không nên cạnh tranh trực tiếp, mà nên chọn các thị trường ngách, hoặc tham gia vào chuỗi của các doanh nghiệp lớn để từ đó dần từng bước nâng cấp công nghệ, tiêu chuẩn hóa các quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với chuỗi giá trị chung”, ông Phong cho biết.

Nhắc lại quan điểm của mình, ông Phạm Đình Đoàn mong muốn, thể chế và nguồn lực cho doanh nghiệp tư nhân vẫn chỉ là điều kiện cần và đủ, quan trọng là cách thức thực thi như thế nào. Với đà phát triển kinh tế như mấy năm vừa qua, doanh nghiệp tư nhân vẫn cần sự quan tâm đúng mức và riêng biệt để có sự bứt phá khác biệt.

“Mỗi bước đi của các doanh nghiệp lớn nếu không có sự định hưởng kiểm soát, can thiệp kịp thời vẫn có thể mắc sai lầm. Không nên vì một vài “ông lớn” mà để mất đi nhiều doanh nghiệp nhỏ, tránh việc 90.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động như năm vừa qua”, ông Đoàn bày tỏ./.