Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện, Việt Nam có đến gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Các hộ kinh doanh này có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, chưa bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức. 
22_ok_xary.jpg
Luật Doanh nghiệp sửa đổi được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Một số chính sách hiện tại khiến các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại chuyển đổi lên thành doanh nghiệp, mặc dù Luật đã có những quy định về việc chuyển đổi này. 

Nhiều ý kiến cho rằng, với tư cách là đạo luật gốc về doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp sắp được sửa đổi cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp chính thức, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đủ lớn, đủ mạnh.

Theo ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luật mới phải giải quyết được những vấn đề lớn của Luật Doanh nghiệp. Trong đó, cần loại bỏ một số thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp không còn phù hợp, không cần thiết, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Bởi theo qui định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải hoàn thành 5 thủ tục hành chính để có thể bắt đầu kinh doanh, bao gồm đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh, làm dấu tại cơ sở khắc dấu, thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh, mở tài khoản và thông báo thông tin tài khoản cho cơ quan đăng ký kinh doanh...

Điều này không chỉ phân tán trong việc quản lý đăng ký kinh doanh mà còn gây cản trở, khó khăn, tốn kém và bất lợi cho các doanh nghiệp có liên quan trong cơ cấu lại hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc sửa Luật Doanh nghiệp lần này cần có nhiều đổi mới để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp. Trước hết là tháo gỡ những vướng mắc trên thực tiễn, bởi quá trình hoạt động vừa qua, Luật Doanh nghiệp 2014 cũng đã phát sinh một số vướng mắc như: bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số chưa được tốt. Do đó, luật sửa đổi cần hướng đến mục tiêu tăng các giải pháp để bảo vệ quyền của cổ đông. Bởi theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số bảo vệ cổ đông thiểu số của Việt Nam vẫn còn rất thấp. 

Cũng theo ông Tuấn, mục tiêu quan trọng nữa là Luật Doanh nghiệp phải tạo thuận lợi, thúc đẩy quá trình thành lập doanh nghiệp được dễ dàng hơn và gia nhập thị trường thuận lợi hơn. 

Trong gần 20 năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc cắt giảm các thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Tuy vậy, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Theo so sánh của Ngân hàng Thế giới năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 106 trên 190 quốc gia và nền kinh tế về năng lực cạnh tranh xét trên chỉ số thủ tục đăng ký doanh nghiệp. 

Từ hạn chế đó, đại diện VCCI cũng mong muốn, Luật Doanh nghiệp sẽ có những sửa đổi lớn hơn, căn bản hơn chứ không chỉ sửa đổi một số điều như hiện nay. Đặc biệt, cần có những giải pháp đột phá, mạnh mẽ hơn nữa để làm sao cho 5 triệu hộ kinh doanh có động lực và có cơ hội chuyển đổi thành doanh nghiệp. Nếu thực hiện được điều này thì chắc chắn khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đặc biệt là DNNVV sẽ có nhiều khởi sắc. 

“Cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kỳ vọng, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp sẽ tạo ra làn sóng mới của quá trình cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam chứ không chỉ là sửa về mặt kỹ thuật tháo gỡ những khó khăn bước đầu”, ông Đậu Anh Tuấn kỳ vọng./.