Theo số liệu nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong khi chi phí logistics tại một số quốc gia trong khối ASEAN chỉ chiếm 10 – 15% GDP, ở châu Âu, chi phí này thấp hơn nhiều lần, như tại Đức chi phí logistics chỉ chiếm khoảng 6% thì chi phí logistics của Việt Nam hiện chiếm trên 20% GDP.
Thực tế chi phí vận chuyển, phí dịch vụ logistics ở Việt Nam quá cao là một trong những nguyên nhân kéo giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội logistics Việt Nam cho biết, nếu tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt đến 30 tỷ USD/năm, thì chi phí logistics đã chiếm đến 2,79 tỷ USD, cùng với chi phí vận chuyển khác là 1,70 tỷ USD.
Chi phí logistics của Việt Nam hiện chiếm trên 20% GDP. (Ảnh minh họa: KT) |
Số liệu của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, lâu nay, tỷ lệ chạy “rỗng” chiều về của các doanh nghiệp vận tải luôn ở mức 60 – 70%. Thậm chí ở các tuyến ngắn dưới 300 km tỷ lệ này lên đến 100%. Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết, chi phí chạy rỗng ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng dịch vụ vận tải bởi sẽ bị áp giá tương đương với khoảng 60 – 70% tổng mức giá cước. Chỉ cần tận dụng được việc có hàng hóa chạy hai chiều, chi phí cước vận tải sẽ giảm được 30 – 40%.
Ông Đặng Quốc Hữu, đại diện công ty Vinadata cho biết, vận chuyển hàng hóa tuyến Hà Nội - Hải Phòng nếu xe có hàng cả chiều đi lẫn chiều về thì giá cước chỉ khoảng 130.000 – 150.000 đồng/ tấn hàng nhưng nếu chỉ có một chiều thì cước sẽ lên đến 200.000 đồng/tấn.
“Nếu áp dụng công nghệ sàn giao dịch vận tải, thì chi phí vận chuyển sẽ giảm rất nhiều. Cần có sự bắt buộc các doanh nghiệp vận tải phải thâm nhập với cuộc chơi của nền công nghiệp hiện đại, nếu không có thể nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”, ông Hữu nhận định.
Từ những thực tế nêu trên có thể thấy, vai trò của sàn giao dịch vận tải sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thông qua sàn giao dịch, các doanh nghiệp tăng thêm cơ hội tìm kiếm nhu cầu nhu cầu vận tải, giảm chi phí sản phẩm hàng hóa, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Quan trọng hơn, khi áp dụng sàn giao dịch vận tải, doanh nghiệp vận tải sẽ giảm lượng xe chạy rỗng, giảm chi phí trung gian, minh bạch hóa giá cước và tạo điều kiện để các công ty vận tải kết nối các phương thức vận tải góp phần bảo đảm trật tự, giảm thiểu tai nạn giao thông và bảo vệ môi trường.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, sàn giao dịch giao thông vận tải là một trong những lời giải cho mục tiêu tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa của Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Sàn giao dịch vận tải ra đời có rất nhiều mục tiêu khác nhau, nhưng mục tiêu quan trọng nhất là góp phần giảm chi phí logistics.
Theo ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, việc triển khai các sàn giao dịch vận tải không phải là vấn đề mới. Rất nhiều các quốc gia trên thế giới kể cả các nước G7 cho đến quốc gia đang phát triển trong khu vực đều đã có các sàn giao dịch vận tải tương đối hiệu quả.
Trong khi đó, thị trường Việt Nam đang có thị trường vận tải rất đa dạng nhưng đến nay vẫn chưa có đầu mối kết nối giữa bên cầu và bên cung. Sàn giao dịch vận tải ra đời sẽ có thể sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội.
“Khi triển khai được sàn giao dịch vận tải chắc chắn sẽ góp phần giảm tỷ lệ xe chạy rỗng, nâng cao hiệu suất khai thác phương tiện. Sàn giao dịch vận tải đem lại rất nhiều lợi ích, không chỉ thuần túy về mặt vận tải, kinh tế mà còn về mặt xã hội, môi trường, an toàn giao thông”, ông Minh nhận định.
Bởi theo phân tích của ông Minh, khi nhu cầu di chuyển, vận chuyển giảm đi, lượng phát thải khí vào môi trường sẽ giảm. Quá trình vận tải được tối ưu hóa đồng nghĩa với lưu lượng vận chuyển giảm, góp phần giảm rủi ro va chạm khi tham gia giao thông dẫn đến giảm thiểu tai nạn giao thông đang là một vấn đề bức xúc của toàn xã hội./.
Giải bài toán nhân sự logistics và quản lý chuỗi cung ứng