Sáng nay (26/8), tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ Ba các quan chức cao cấp (SOM 3) và các cuộc họp liên quan của Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương- APEC 2017, Ủy ban Thương mại và đầu tư APEC tổ chức hội thảo về Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghịêp nhỏ và vừa vào các chuỗi cung ứng toàn cầu về hậu cần (logistic).

vov_hoi_thao_yiqc.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Một trong những ưu tiên quan trọng trong chương trình bàn thảo của Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) trong những năm gần đây là: phát triển và hợp tác trong chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trên cơ sở đó, hai nền kinh tế thành viên là Hàn Quốc và Peru đã khởi xướng sáng kiến nhằm tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi giá trị toàn cầu trong các ngành dịch vụ.

Tại SOM 3 này, cùng với Hồng Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc và Peru, Việt Nam đã chủ động đề nghị tham gia dẫn đầu các hoạt động liên quan đến logistics mà cụ thể là dịch vụ vận chuyển và lưu kho.

Trên thực tế, logistics là một ngành quan trọng không thể tách rời chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời cũng là một trong các ngành dịch vụ có ý nghĩa quan trọng trong thương mại quốc tế, với đặc điểm bao trùm nhiều lĩnh vực, như: tìm nguồn cung ứng, mua sắm, thực hiện đơn đặt hàng, lưu nguyên liệu, lập kế hoạch sản xuất, kiểm soát chi phí hiệu quả, lắp ráp, đóng góp, bảo trì, lưu kho, phân phối, thành phẩm và dịch vụ khách hàng...

Nhiều đại biểu dự hội thảo cho rằng, ngành logistics tạo cơ hội to lớn cho sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quản lý logistics tốt từ cả phía chính phủ và doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thế nhiên, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay chưa đề cao tầm quan trọng của việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành này.

Tham gia hội thảo, các đại biểu của Việt Nam cố gắng chia sẻ hiện trạng ngành logistic, tìm hiểu kinh nghiệm từ các nền kinh tế khác, từ đó có thêm những giải pháp và hành động cụ thể để thúc đầy phát triển. Việt Nam đã có Chương trình hành động quốc gia vê phát triển dịch vụ logistics nhưng để trở thành hành động của  từng ngành, từng doanh nghiệp thì còn một khoảng cách rất lớn.

Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Công ty Tri thức hậu cần, thành viên Ban Đào tạo của Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam cho rằng, để doanh nghiệp có thể hiểu và tiếp cận được chương trình này thì phải có những hoạt động khác nhau.

Ông Trần Chí Dũng
Theo ông Trần Chí Dũng, về phía Nhà nước, cần có những chính sách mới, có chi phí để các cơ quan nhà nước xúc tiến các hoạt động triển khai thu hút doanh nghiệp tham gia./.