Nhiệt độ tăng cao là yếu tố nguy cơ, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người già và trẻ em – đối tượng dễ bị tổn thương vì cơ thể thích nghi với nhiệt chậm hơn những người khác. Bệnh cảnh do nắng nóng rất đa dạng, biểu hiện từ mức độ nhẹ đến nặng như say nắng, kiệt sức và nguy hiểm nhất là đột quỵ.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, chúng ta cần chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe phù hợp, đặc biệt phải biết phân biệt giữa say nắng với đột quỵ để có biện pháp xử lý kịp thời.
TS. Bác sĩ Phạm Trần Linh, Trưởng phòng Phòng C5 Viện Tim Mạch - Bệnh Viện Bạch Mai cho biết, đột quỵ thường dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của say nắng. Vậy nếu phát hiện một trường hợp bỗng nhiên ngã quỵ dưới trời nắng nóng, cách nào phân biệt. Một số dấu hiệu điển hình sau đây mà chúng ta cần lưu ý: "Người say nắng thường nóng, da đỏ, bệnh nhân có nhịp tim nhanh, buồn nôn, da rất khô, không tiết mồ hôi, có những rối loạn về hô hấp…"
Như vậy nắng nóng là nguyên nhân trực tiếp gây say nắng, sốc nhiệt. Nhưng với đột quỵ thì nắng nóng là yếu tố nguy cơ khiến những người bị tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia cần phải chú ý. Trường hợp bị đột quỵ có các dấu hiệu sau: yếu nửa người, liệt nửa người, rối loạn ý thức, đột ngột sa sút trí tuệ, nói ngọng, không cử động được tay chân.
Say nắng khiến cơ thể mệt mỏi nhưng đột quỵ có thể để lại di chứng suốt đời, thậm chí có thể gây ra tử vong. Do vậy, việc nhận định rõ 2 tình trạng này sẽ giúp chúng ta xử lý kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nặng nề cho người bệnh.
Xác định một người bị say nắng, những người xung quanh cần nhanh chóng đưa người đó ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi có bóng râm. Quạt máy, quạt tay để thúc đẩy ra mồ hôi, bắng mọi cách hạ thân nhiệt……
Còn nếu gặp người bị đột quỵ, việc đầu tiên cần làm là gọi cấp cứu càng sớm càng tốt. Không tự ý cho ăn uống, điều trị. TS.BS Phạm Trần Linh hướng dẫn một số thao tác có thể thực hiện trong khi chờ xe cấp cứu đến: đặt bệnh nhân nằm nghiêng cao đầu 30-45 độ, mặc quần áo thoáng. Trường hợp bệnh nhân bị nôn, cần xoay người bệnh nhân sang 1 bên, để tránh đờm, dãi chui vào mũi, phổi và sẽ không bị sặc.
BS Phạm Trần Linh cũng khuyến cáo: không chỉ là người đã từng bị đột quỵ mà ngay cả những người có cơn thiếu máu não thoáng qua cũng cần cảnh giác khi trời nóng bức./.