Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ), Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần sớm nghiên cứu trình Quốc hội sửa Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước; tính toán nguồn vốn bổ sung cho các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có nguồn vốn từ việc cổ phần hoá, thoái vốn tại các doanh nghiệp.
Phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường sáng nay (28/5) về về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Hoàng Quang Hàm đề nghị, cần đảm bảo chủ trương doanh nghiệp nhà nước chỉ đầu tư vào các lĩnh vực then chốt thiết yếu, những địa bàn quan trọng về an ninh quốc phòng.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Ảnh: Quochoi.vn) |
Theo đại biểu đoàn Phú Thọ, Chính phủ cần quy định rõ chức năng nhiệm vụ của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), không để công ty này đầu tư vào những lĩnh vực không then chốt và nhà nước đang thoái vốn.
"Phải cân nhắc không nên để tình trạng cùng là doanh nghiệp nhà nước nhưng một bên ra sức thoái vốn, một bên lại mua vào", ông Hoàng Quang Hàm kiến nghị.
Ông Hàm cũng lưu ý, cần rà soát và xử lý dứt điểm các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của tập đoàn, tổng công ty; không chỉ có 12 dự án của ngành Công Thương hay Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Vinashin mà cần rà soát tổng thể, qua đó đảm bảo không để mất vốn do thua lỗ kéo dài, hao mòn tài sản, chi phí lãi vay.
"Đốt" nghìn tỷ, dự án vẫn "đắp chiếu"
Nhà máy Ethanol Phú Thọ được khởi công xây dựng từ năm 2009, với vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.700 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 2.400 tỷ. Năm 2011 dự án tạm ngừng hoạt động khi thi công được 80% công trình. Tổng nợ phải trả đến hết tháng 12/2016 của dự án này gần 830 tỷ đồng.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho biết, cử tri ở Phú Thọ rất bức xúc trước việc 50 ha "bờ xôi ruộng mật" ở huyện Tam Nông đã dành cho nhà máy Ethanol. Dự án chi hàng nghìn tỷ đồng nhưng đã dừng triển khai 5-6 năm nay, nhà xưởng, thiết bị máy móc của nhà máy "đắp chiếu", rất xót xa.
Ông Hàm cho rằng, Chính phủ cần quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm vì càng để lâu hậu quả càng nghiêm trọng.
Nhà máy Ethanol Phú Thọ đã "đắp chiếu" nhiều năm nay. (Ảnh: Báo Lao động) |
Một dẫn chứng khác được ông Hàm nhắc tới sau khi đi giám sát là Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Vinashin vẫn tiếp tục thua lỗ lớn.
Vinashin từng là một trong những tập đoàn kinh tế lớn, nhưng đã sa lầy vào các dự án đầu tư không hiệu quả, vốn đầu tư dự án chủ yếu đi vay… Vay nhiều, đầu tư thua lỗ đã nhìn thấy rõ, nhưng phải tới năm 2010 bức tranh tài chính tối tăm tại Vinashin mới thực sự lộ rõ qua đợt thanh tra của Chính phủ.
Tính tới cuối năm 2009, tổng tài sản của tập đoàn là hơn 104.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 80% (86.000 tỷ đồng) là nợ phải trả. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinashin dựa hoàn toàn vào vốn vay. Bên cạnh đó, đến hết năm 2009, Vinashin không còn bảo toàn được vốn Nhà nước giao, để thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng.
Đề án tái cơ cấu Vinashin được phê duyệt năm 2010 nhưng đến nay việc vực dậy tập đoàn này vẫn khá chật vật. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, đến cuối 2016 Vinashin có nợ quá hạn 8.180 tỷ đồng./.Quốc hội lo thất thoát tài sản công, yêu cầu quản lý chặt vốn nhà nước