Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0) đang mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, trình độ quản lý, phát triển công nghệ, và đặc biệt là phải chú trọng vào hoạt động quản trị công ty, trong đó văn hóa doanh nghiệp được coi là yếu tố quan trọng để xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Trong thời kỳ CMCN 4.0, với sự phát triển không ngừng của công nghệ mà robot, chính là đại diện cho trí tuệ nhân tạo thông minh do con người tạo ra và có thể thay thế con người và nâng cao năng suất lao động, bởi robot có những bộ kỹ năng cơ bản, bộ nhớ kinh điển… thì sự tương tác và cảm nhận giữa con người với con người và với robot để hướng đến một giá trị mục tiêu lâu dài, mà ở trong đó có giá trị đạo đức và niềm tin, sẽ là một giá trị riêng có của con người mà robot không có được.
Các doanh nghiệp trên toàn cầu, khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ của CMCN 4.0. |
Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE chia sẻ: “Franklin Covey từng so sánh rất hay về vai trò của văn hóa doanh nghiệp: “Nếu chiến lược được xem như là hạt, thì văn hóa được xem như là đất. Hạt có tốt đến mấy nhưng đất không tốt thì cũng không thể nảy mầm được.” Do đó, văn hóa tốt sẽ sản sinh ra chiến lược tốt, đồng thời giúp doanh nghiệp thực thi chiến lược ấy”.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018, tương lai của việc làm sẽ thay đổi với kỷ nguyên robot, khoảng 70% công việc hiện tại có khả năng biến mất hoặc bị biến đổi, hàng loạt công việc mới sẽ được tạo ra trong 10 năm tới. Các doanh nghiệp trên toàn cầu, khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ của CMCN 4.0 – kỷ nguyên của robot, làm thế nào để xây dựng chiến lược kinh doanh mới, chiến lược quản trị nguồn nhân lực đa dạng (con người và robot).
Tuy nhiên, theo Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Deloitte Việt Nam, cuộc cách mạng này cũng sẽ mang lại cơ hội lớn cho mọi loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đi nhanh và nắm bắt cơ hội của xu thế 4.0 nếu thực sự nhận thức được rằng văn hóa doanh nghiệp là giá trị cốt lõi quyết định năng lực cạnh tranh riêng của doanh nghiệp, và đó là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0”, bà Thanh cho biết.
Bà cũng cho rằng, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời 4.0 tốt sẽ giúp hài hòa và tạo sự hợp tác – tương tác tốt giữa con người với robot trong công việc, từ đó, tận dụng được cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại. Robot khó có thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng của con người là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối,…nhưng sẽ giúp thúc đẩy năng suất và hiệu quả lao động.
Do đó, doanh nghiệp có phát triển được bền vững trong thời kỳ 4.0 hay không sẽ không chỉ dựa trên sự đầu tư vào công nghệ, mà sẽ dựa trên sự đầu tư vào Văn hóa doanh nghiệp. “Đó sẽ trở thành xu thế mới mà các doanh nghiệp cần thực sự chú trọng cho chiến lược đầu tư của doanh nghiệp mình. Và hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần nhận thức văn hóa doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng trong quản trị công ty, là tinh thần cốt lõi, dẫn dắt doanh nghiệp bền vững trong kỷ nguyên 4.0”, bà Thanh chia sẻ.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu coi doanh nghiệp như ngôi nhà, tinh thần, thì văn hóa doanh nghiệp, và công nghệ 4.0 đều là những trụ cột. Nếu coi doanh nghiệp là một cỗ xe thì động cơ chắc chắn là tinh thần doanh nghiệp, tay lái là văn hóa doanh nghiệp và bánh xe công nghệ 4.0.
“Nếu văn hóa là ngọn đuốc soi đường thì xây dựng văn hóa là hành chính thắp lửa, không ai khác chính là các doanh nhân, nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải là người thắp lửa. Thiếu văn hóa thì doanh nghiệp như ngôi nhà thiếu trụ cột, như cỗ xe không có tay lái, như hành trình thiếu ngọn đuốc soi đường”, ông Lộc nói.
Có thể thấy, văn hóa doanh nghiệp là bản sắc riêng, là tư tưởng và niềm tin phát triển của doanh nghiệp. Đó luôn là năng lực cạnh tranh và sức mạnh riêng có để các doanh nghiệp phát triển mạnh, bền vững, không chỉ trong hiện tại mà đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0 với những ứng dụng công nghệ cao./.
Thúc đẩy hợp tác Việt Nam- Hàn Quốc trong bối cảnh cách mạng 4.0
Chủ tịch WEF: Cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh
WEF ASEAN 2018: Cơ hội các nước thảo luận cách thích ứng cách mạng 4.0