Liên quan đến tranh luận gần đây giữa Cục đăng kiểm Việt Nam (VR) và các doanh nghiệp đóng tàu công nghệ vật liệu mới PPC; Trong khi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có văn bản "truy" Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam ngăn cản công nghiệp đóng tàu bằng vật liệu PPC được phép chở trên 12 người, Chuyên gia kỹ thuật Công ty dầu khí Việt Nhật – ông Đinh Chí Đang đã bày tỏ ý kiến về vấn đề này.

Con số 12 người ở đâu ra?

Theo quy định của công ước về an toàn sinh mạng trên biển (SOLAS convention) của tổ chức hàng hải quốc tế IMO, tàu chở trên 12 hành khách sẽ được phân cấp như tàu chở khách mà theo đó thì những quy định với tàu chở khách sẽ phải áp dụng. Vì thế con số 12 hành khách là để phân biệt tàu khách với tàu hàng hay tàu phục vụ mục đích vui chơi giải trí.

145321_1_rhll.jpg
Tàu khách PPC có sức chứa 32 người đang hoạt động trên Vịnh.
Thế nhưng SOLAS cũng có điều khoản ngoại trừ, không áp dụng cho những tàu không tham gia tuyến hàng hải quốc tế và những loại tàu khác như tàu chiến, tàu quân sự, tàu đánh bắt hải sản, tàu gỗ thô sơ. Nên nếu tàu bằng vật liệu PPC chỉ dùng chở khách trong tuyến đường thủy nội địa phân cấp SI hoặc SII theo TCVN 5801-2005 của VR thì không cần thiết phải áp dụng quy định này.

Nhưng luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 quy định rõ là phương tiện thủy có sức chở trên 12 người, khi hoạt động trên đường thuỷ nội địa phải bảo đảm các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thuỷ nội địa.

Có nghĩa là VR phải thẩm định và phân cấp cho những con tàu này. Khi VR quy định tàu làm bằng PPC chỉ giới hạn chở tối đa 12 người là cách tốt nhất để lẩn tránh trách nhiệm.

Còn về việc 2 con tàu của James Boat là Ferry 42 và Ferry 56 đã được VR phân cấp thử nghiệm thì cũng chưa hẳn đúng.

Bởi lẽ, việc thử nghiệm hoàn toàn phù hợp với TCVN-5801-2005 mà theo đó cấp thử nghiệm sẽ được trao cho những tàu có thiết kế mới, sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới hoặc các bộ phận của tàu không thỏa mãn các yêu cầu của quy phạm TCVN-5801 và chưa được thực tế khai thác kiểm nghiệm, khi phân cấp có thêm ký hiệu T (ví dụ như VR SI T). Các tổ chức đăng kiểm quốc tế khác cũng thường làm vâỵ nên không phải là sáng tạo của Việt Nam.

Vấn đề cần bàn là sao thử nghiệm lâu thế mà vẫn chưa đưa ra được kết luận gì. Được biết các doanh nghiệp đóng tàu vật liệu PPC đã làm tàu thử nghiệm trước khi được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, không thể cứ tàu to hơn, lớn hơn là bắt doanh nghiệp phải làm thử nghiệm.

Sản phẩm công nghệ mới làm sao có sẵn tiêu chuẩn áp dụng?

Trả lời trên báo chí, Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) trong công văn số 2286/ĐKVN ngày 8/5/2017 do ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng ký về việc thông tin về công tác đăng kiểu tàu PPC trên báo chí cho biết các tổ chức đăng kiểm nước ngoài như của Ấn Độ (IRS), Nhật Bản (NK), Nga (RS), Hàn Quốc (KRS), Pháp (BV) chưa từng đăng kiểm tàu, thuyền chế tạo bằng vật liệu PPC.

Thiết nghĩ, các quốc gia này chưa có quy chuẩn, quy phạm về tàu đóng bằng vật liệu PPC cũng là vấn đề hết sức bình thường. Vì vật liệu PPC mới áp dụng vào sản xuất tàu thuyền, chủ yếu là cỡ nhỏ, nhu cầu thị trường chưa có nên các nước này họ không làm chứ không phải không làm được.

Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) cũng cho hay, tổ chức CS Lloyds chỉ có Hướng dẫn T-202 về “Vật liệu và hàn vật liệu phi kim loại - nhựa” và sử dụng một số tiêu chuẩn về nhựa nói chung của châu Âu (không phải tiêu chuẩn chuyên dùng cho đóng tàu) phục vụ cho việc giám sát kỹ thuật tàu đóng mới bằng vật liệu PPC.

Đây là cách làm đúng đắn của CS Lloyds mà các nước tiên tiến trên thế giới luôn áp dụng đối với những sản phẩm công nghệ mới. Đã là sản phẩm công nghệ mới thì làm gì có tiêu chuẩn sẵn có mà áp dụng. Họ sẽ sử dụng những hướng dẫn chung để thẩm định cái mới do nhà sản xuất đưa ra.

Nếu trong một lĩnh vực nào đó có nhiều nhà sản xuất đưa ra những quy trình, phương pháp thực hành khác nhau, qua quá trình thẩm định các tổ chức đăng kiểm sẽ tổ chức những hội thảo để đánh giá rồi lựa chọn quy trình hay phương pháp thực hành tốt nhất để đưa vào thành quy phạm, rồi sau đó các nhà sản xuất cùng làm theo.

Trong khi nhà sản xuất ra vật liệu PPC và các công ty ứng dụng vật liệu này để chế tạo tàu thuyền thì họ biết rõ về PPC hơn nhiều so với những nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ vật liệu, hóa học, kết cấu, thiết kế, đóng tàu của Việt Nam. Cho nên, cách tốt nhất là lắng nghe ý kiến của họ thay vì áp đặt những ý kiến chủ quan của mình.

VR còn cho biết là vật liệu PPC có ứng suất chảy cho phép là 23 MPa, thấp hơn nhiều so với các loại vật liệu đóng tàu như thép, hợp kim nhôm (Thép: 235 MPa; Hợp kim nhôm: 110 MPa). Đây là một lập luận ngụy biện, dễ gây nhầm lẫn cho những người không chuyên sâu về kỹ thuật.

Người làm kỹ thuật không ai nghĩ như vậy. Khi tính toán kết cấu người ta biết rõ, ứng suất của vật liệu PPC chỉ là 23 MPa và chỉ dùng giá trị này để tính toán, không ai dùng giá trị ứng suất chảy của thép và nhôm để so sánh. Hơn thế nữa, nếu tính toán tải trọng không đủ người ta phải có các biện pháp gia cường kết cấu bằng chính vật liệu PPC hoặc một loại vật liệu khác chẳng hạn như thép.

Khi VR nói rằng vật liệu PPC là vật liệu dễ cháy đó là nếu so sánh với thép, hay nhôm hoặc vật liệu gốm, nếu so với gỗ thì PPC sẽ khó cháy hơn nhiều. Tuy nhiên, khi đã biết được yêu cầu cụ thể của đăng kiểm, nhà sản suất hoàn toàn có thể có giải pháp kỹ thuật cho vấn đề này.

Bởi lẽ, không phải tất cả mọi chi tiết trên con tàu đều phải là vật liệu chống cháy, trong khoang hành khách người ta vẫn dùng ghế, đệm và rèm vải, chỉ có những bộ phận kết cấu, vách ngăn nhất định mới có yêu cầu này. Người ta có thể phủ một lớp sơn chống cháy lên những bộ phận kết cấu ấy, vấn đề sẽ được giải quyết.

Sao không tham khảo tàu của biên phòng, hải quân?

VR còn cho biết thêm, đối với 2 tàu khách Ferry 42 và Ferry 56 do Công ty James boat sản xuất được đưa vào thử nghiệm trong thời gian qua, theo báo cáo thì cả 2 phương tiện đều thường xuyên hư hỏng máy mà nguyên nhân do nước biển tràn vào, rất ít hoạt động, chủ yếu vận hành để duy trì, bảo dưỡng, việc sử dụng thử nghiệm mới chỉ trong thời gian ngắn, vì vậy chưa có cơ sở xem xét đánh giá kết quả sử dụng thử nghiệm đối với tàu loại này.

Việc này xác định nguyên nhân sự cố không khó khăn gì cả. Nguyên nhân gì dẫn đến nước biển tràn vào máy tàu có liên quan tới độ ổn định của tàu hay không? Thử nghiệm độ ổn định của tàu thì có thể làm ngay được khi con tàu vừa chế tạo xong bằng cách xếp lên nó những bao cát đúng bằng tải trọng thiết kế, cho tàu chạy với điều kiện thiết kế (sóng, gió, dòng chảy…) sẽ có thể kết luận ngay được.

Đối với loại vật liệu là chất dẻo thermoplastic, độ lão hóa do bức xạ cực tím là điều quan ngại hơn cả, nhưng nó cũng có thể mô phỏng trong phòng thí nghiệm. Thử nghiệm về độ chịu mỏi cũng có thể làm được trong phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên việc thử nghiệm thực tế vẫn là cần thiết vì có những điều kiện mà khi thiết kế chưa lường tới, nhưng thử nghiệm mấy năm mà chưa đưa ra kết quả gì là rất không ổn. Đã có rất nhiều tàu của biên phòng, hải quân làm bằng vật liệu này và có vận hành thực tế tại sao VR không tham khảo họ mà vẫn cố nghĩ ra những rào cản để ngăn sự phát triển của các doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, VR cần sớm sửa lại QCVN-95:2016/BGTVT, bỏ đi phần hạn chế dưới 12 người. Nếu còn vướng mắc gì về kỹ thuật, cần mở những hội thảo với nhà sản xuất và với các chuyên gia khác để hoàn thiện quy chuẩn. Đây là cách đúng đắn nhất mà trên thế giới thường làm./.