Từ nhiều năm nay, các điều kiện kinh doanh, hay còn gọi là “giấy phép con” luôn là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp. Bởi vậy, thông tin Bộ Công Thương cùng một lúc cắt giảm tới 675 điều kiện kinh doanh trong hơn 1.220 điều kiện kinh doanh - một việc làm chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn, liệu có thể cắt giảm thêm được nữa không, cơ chế quản lý sẽ phải thay đổi thế nào để tránh những biến tướng của giấy phép con.
Chỉ trong một thời gian ngắn rà soát, Bộ Công Thương quyết định sẽ cắt giảm khoảng 675 điều kiện kinh doanh, nhiều hơn khoảng 60 điều kiện so với dự kiến ban đầu và chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng. Từ đó, giảm được trên 58% lượng mặt hàng phải kiểm tra trước thông quan. Đây là một tin vui với các doanh nghiệp, khi nhiều vướng mắc lâu nay được giải quyết triệt để, dứt điểm.
Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, vẫn còn không ít thủ tục rườm rà. Chẳng hạn như nhập khẩu thiết bị viễn thông, doanh nghiệp khi thông quan phải có giấy phép, muốn có giấy phép phải có hợp quy, mà muốn có hợp quy phải đưa thiết bị về đơn vị chuyên môn đo kiểm.
Hiện vẫn còn nhiều thủ tục trong sản xuất, kinh doanh cần rà soát gỡ bỏ. (Ảnh minh họa: KT) |
Đại diện Hiệp hội Gas nêu dẫn chứng từ thủ tục xác nhận khai báo hóa chất, doanh nghiệp phải lên Cục Hóa chất 2 lần chỉ để được xác nhận đã khai báo, theo quy định của Bộ Công Thương mất 7 ngày, nhưng Hải quan quy định phải xuất trình ngay giấy xác nhận, mà doanh nghiệp chỉ có 24 tiếng để dỡ hàng, nếu chậm thì tàu 1.000 tấn sẽ bị chủ tàu phạt từ 6.000 – 9.000 USD/ngày. “Nếu nhân con số này với 7 ngày chi phí của doanh nghiệp sẽ không hề nhỏ, làm khó doanh nghiệp”, đại diện Hiệp hội Gas than phiền.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương là cơ quan đưa ra nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh nhất, chiếm tới 1/4 số lượng “giấy phép con” của tất cả các bộ, ngành. Việc Bộ Công Thương dự kiến cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tức là cắt giảm được khoảng 1/8 các điều kiện kinh doanh của các ngành nghề.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, nhiều văn bản Bộ Công Thương đã sửa đổi rất tốt, nhưng triển khai thực tế thì doanh nghiệp vẫn khó.
“Bộ Công Thương đã bỏ thủ tục dán nhãn năng lượng với máy móc, thiết bị, song trên thực tế doanh nghiệp vẫn phải có số tiếp nhận mới được lưu hành sản phẩm. Do đó Bộ Công Thương cần thực hiện sát hơn so với mong muốn của doanh nghiệp. Chúng tôi cũng nhận thấy trong các điều kiện kinh doanh, còn nhiều điều kiện có thể bỏ như năng lực sản xuất, điều kiện nhân lực... lên tới hàng trăm điều kiện”, bà Thảo nêu ý kiến.
Mặc dù sẽ cắt giảm mạnh mẽ, nhưng ngành Công Thương vẫn còn hơn 500 điều kiện kinh doanh. Thực tế, doanh nghiệp mong muốn được cắt giảm những điều kiện, thủ tục gây cản trở thực sự, hơn là chỉ được cắt giảm những điều kiện “râu ria” nhỏ lẻ, chẳng có ảnh hưởng gì.
Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, vẫn phải rà soát tiếp những điều kiện kinh doanh được giữ lại. Trên đà cắt giảm thủ tục, cần thiết phải cải cách thể chế, bộ máy nhân sự thì việc cắt giảm thủ tục mới hiệu quả.
Bởi lẽ, khi cắt giảm đi hơn 1/2 số lượng điều kiện kinh doanh, thủ tục giấy tờ sẽ giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, nhưng cũng đồng nghĩa cắt mất quyền lực, nhũng nhiễu ở một số nhóm lợi ích bấy lâu nay. Bởi vậy, đi cùng với cắt giảm điều kiện kinh doanh thì bộ máy, cơ chế cũng phải chuyển động theo và quản lý giám sát để tránh biến tướng của giấy phép con.
“Bộ máy giảm được nhiều thủ tục khiến nhiều người không phải làm một số việc, nhưng đặt ra vấn đề liệu có tăng thêm thời gian xử lý từng thủ tục, gây khó dễ cho doanh nghiệp hay không? Do đó, bộ máy và hiệu lực quản lý phải làm tiếp, nếu không thì giải quyết thủ tục chỉ được một phần, mà chưa phải là phần quan trọng”, TS. Trần Đình Thiên nói.
“Bỏ 1 lần quá nhiều điều kiện kinh doanh, có buông lỏng quản lý?”
Cho đến nay, mới chỉ có Bộ Công Thương khẳng định sẽ cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh. Tuy mới là kế hoạch và còn phải chờ sửa các Nghị định doanh nghiệp mới chính thức được gỡ bỏ những rào cản, nhưng rõ ràng đây là dấu mốc quan trọng. Khi các bộ, ngành khác cũng cùng vào cuộc rà soát, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp mới giảm bớt được gánh nặng, nâng cao sức cạnh tranh và lớn mạnh hơn./.