Phát biểu tại buổi làm việc với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (thuộc Văn phòng Chính phủ) và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính chiều 16/8 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những cán bộ Nhà nước nào không chịu thực hiện chủ trương cải cách hành chính thì phải đưa ra khỏi bộ máy và phải truyền thông mạnh mẽ để nêu gương.
Trong những kết quả đó, Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Hội đồng tư vấn cải cách hành chính quốc gia.
Tuy vậy, Thủ tướng thẳng thắn cho rằng, người dân và doanh nghiệp vẫn “kêu ca” cơ quan hành chính Nhà nước trong việc giải quyết các thủ tục hành chính bởi vẫn còn rườm rà, rắc rối kéo dài. Tiếng “kêu” này gặp ở nhiều cơ quan khác nhau, và một số việc làm nản lòng nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Các thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều bày tỏ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ thời gian qua trong việc thúc đẩy cải cách hành chính, tuy nhiên, một số đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra các vấn đề bất cập trong công tác này.
Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, nêu thực tế, cấp Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính rất quyết liệt, nhưng ở cấp thực thi, nhất là cấp chuyên viên, vẫn chưa có xoay chuyển nhiều.
“Cần đẩy mạnh công tác truyền thông. Trong đó một tháng Chính phủ có thể đưa ra ở cấp rất nhỏ, tức chuyên viên trực tiếp thực hiện hoặc cấp phường xã, những trường hợp làm tốt thì nêu ra 3, 4 trường hợp điển hình về làm thủ tục rất nhanh gọn để các thành viên khác nhìn vào đó học tập. Nhưng bên cạnh đó cũng có thể chỉ ra những trường hợp rất cụ thể làm kém.
Ở đây câu chuyện thủ tục hành chính không phải câu chuyện vi phạm pháp luật, nhưng nếu anh làm không tốt thì có thể chuyển công tác, thậm chí là sa thải. Cũng như ở doanh nghiệp chúng tôi, ví dụ một anh công nhân được chúng tôi trả lương mà làm không tốt thì chúng tôi có quyền sa thải, chứ không phải chúng tôi nhận vào cứ ngồi đó mà chúng tôi trả lương thì không thể được”, ông Quân nói.
Hoan nghênh đề xuất của ông Bùi Văn Quân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là vấn đề cần phải khắc phục: “Tôi đã nói rất nhiều lần rồi, cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, cấp huyện, cấp xã phải chuyển biến đồng bộ với những chủ trương của Trung ương trong vấn đề giải quyết thủ tục và môi trường đầu tư kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp. Đây là khâu yếu cần tập trung. Mà không chuyển biến phải có chế tài. Anh không chịu cải cách thì những cán bộ đó phải đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước và phải truyền thông mạnh mẽ để nêu những tấm gương mà chúng ta cần phải xử lý”.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Thịnh, cho rằng, thời gian qua, hướng cắt giảm thủ tục hành chính đã đi đúng hướng. Thế nhưng, điều quan trọng là hướng cắt giảm thủ tục hành chính đó có được thực hiện hay không?Thủ tướng: Người dân, doanh nghiệp vẫn kêu thủ tục hành chính rườm rà
Ông Thịnh đánh giá: “Cách làm về cắt giảm thủ tục hành chính của Chính phủ trong thời gian vừa qua là đúng hướng. Đúng hướng ở chỗ là trong mỗi một năm chúng ta lựa chọn được đúng vấn đề mà chúng ta cần phải cắt giảm. Vấn đề đặt ra như một số đại biểu phát biểu, trên thì đặt vấn đề rất đúng, nhưng các cục, vụ, các sở ngành hoặc những người thực hiện còn chậm, thì khâu này là khâu tổ chức thực hiện.
Do đó khâu yếu ở đây lại là khâu kiểm soát thực hiện. Và chúng tôi đồng tình phải tăng cường kiểm soát, tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý những người mà không thực hiện đúng tinh thần của cắt giảm thủ tục hành chính”.
Các đại biểu dự cuộc làm việc cũng cho rằng, trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cần nêu ra những thủ tục hành chính cần cắt giảm, nhất là những thủ tục cần cắt giảm từ nay đến cuối năm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần có tinh thần cải cách hành chính ngay từ khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, và việc ban hành này phải được giám sát chặt chẽ để không ra những quy định gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân, nhất là các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhiệm vụ trước mắt đối với công tác cải cách hành chính là tập trung để thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó có việc cắt giảm các thủ tục để góp phần nhanh chóng giải ngân hết 1,5 triệu tỷ đồng tiền vốn trong năm nay, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước, vốn FDI, vốn tư nhân và các nguồn vốn khác.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây là yêu cầu hàng đầu hiện nay. Chúng tôi đã họp với một số tập đoàn, tổng công ty, một số bộ quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2017 mà Đảng, Quốc hội đã giao Chính phủ thực hiện. Cho nên cải cách hành chính phải tập trung vào vấn đề này. Muốn thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì phải tháo gỡ mọi rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cho người dân, tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Muốn tăng trưởng phải đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn”.
Nhấn mạnh xuất khẩu là yếu tố quan trọng của tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu thông qua cải thiện thủ tục thuế, hải quan, thủ tục kiểm tra rủi ro, nhất là từ các ý kiến mà đại diện các doanh nghiệp nước ngoài nêu ra tại buổi làm việc.
Cho rằng hiện nay các thủ tục hành chính đối với cuộc sống hàng ngày của người dân còn nhiều điều phức tạp, sự phàn nàn, phản ánh về sự tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu công khai của cán bộ công chức còn nhiều, Thủ tướng nhấn mạnh đây là điều cần kiểm tra khắc phục, nhất là liên quan đến sản xuất kinh doanh, khai sinh, khai tử, lý lịch tư pháp.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phải có chương trình tập trung cao để thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, tập trung vào các chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Tổ công tác của Thủ tướng cũng phải kết hợp kiểm tra việc cải cách hành chính. Văn phòng Chính phủ cũng phải tham mưu cho cho Thủ tướng và Hội đồng tư vấn cải cách hành chính quốc gia quyết liệt cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ giấy phép con, kiểm soát tốt hơn việc đặt thêm thủ tục, tránh biến tướng các loại giấy tờ mới. Cùng với đó là phải kiểm soát tốt các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Chính phủ và Thủ tướng.
Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện cơ chế một cửa-một cửa liên thông, như trung tâm cải cách thủ tục hành chính, trung tâm xúc tiến đầu tư. “Đừng có về phòng riêng mà làm thủ tục”: Thủ tướng nhấn mạnh.
Với Hội đồng tư vấn cải cách hành chính quốc gia, Thủ tướng hoan nghênh các thành viên trong hội đồng đã đóng góp vào cải cách hành chính thời gian qua, đồng thời mong muốn Hội đồng tiếp tục đưa ra sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, lựa chọn các vấn đề trọng tâm để tư vấn liên quan đến doanh nghiệp như thuế, đất đai, tiếp cận điện năng, kiểm tra quản lý chuyên ngành…/.