Thành phố Đà Nẵng tạm thời đánh giá nguy cơ dịch ở cấp độ 2 - tức là nguy cơ trung bình trong 4 cấp độ nguy cơ theo Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, trong khi rất nhiều người lao động loay hoay tìm kiếm công việc phù hợp.
Suốt mấy tháng nay, từ khi thành phố Đà Nẵng tạm dừng tất cả các hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, hàng ngàn lao động bị mất việc làm. Số đông về quê tránh dịch chưa trở lại thành phố.
Hai vợ chồng anh Đinh Trọng Tường, quê ở Đắk Lắk lập nghiệp ở thành phố Đà Nẵng hơn hai năm nay. Chồng là nhân viên khách sạn, vợ buôn bán hàng lưu niệm. Thời gian vừa qua là giai đoạn khó khăn nhất của hai vợ chồng anh Tường, cả hai bị thất nghiệp mấy tháng liền. Những đồng tiền tích cóp cũng vơi dần, hàng tháng phải lo tiền thuê nhà, nuôi con cái ăn học ở quê, cuộc sống gia đình anh Tường càng thêm khốn khó. Mấy ngày nay, anh Đinh Trọng Tường tìm kiếm thông tin trên mạng mong sớm tìm được việc làm có thu nhập trang trải chi tiêu trong gia đình.
“Dịch bệnh mấy tháng trời, hai vợ chồng không làm ra được đồng nào. Dịch bệnh làm cho gia đình quá bế tắc. Trông cho hết dịch để đi làm kiếm cơm chứ, chúng tôi không muốn làm gánh nặng cho xã hội làm gì. Mình muốn tự hai bàn tay mình ràm ra để lo cho cuộc sống gia đình” - anh Đinh Trọng Tường nói.
Thành phố Đà Nẵng đang nới lỏng các hoạt động nhưng nhiều cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch vẫn chưa thể hoạt động bình thường. Hiện nay, nhiều lao động các ngành dịch vụ, du lịch loay hoay tìm việc làm, chuyển đổi nghề. Nhiều người tìm đến các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp mong tìm được công việc ổn định.
Ông Bùi Minh Vũ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, Khu công nghiêp Hòa Cầm cho biết, đơn vị đang thiếu hàng trăm lao động. Từ đầu tháng 10 đến nay, công ty tạo điều kiện thuận lợi để tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất cuối năm. Trong đó, công ty ưu tiên tuyển dụng lại lao động đã từng làm ở nhà máy.
“Để đảm bảo duy trì sản xuất trong thời gian tới, công ty cố gắng ký kết những hợp đồng, đơn hàng ổn định và kế hoạch sản xuất lâu dài, làm cho người lao động yên tâm, gắn bó với công ty hơn. Bên cạnh đó, công ty luôn duy trì những quyền lợi của người lao động theo qui định của Luật Lao động cũng như thỏa ước lao động tập thể đã ký kết giữa công đoàn với công ty hàng năm. Để giữ chân người lao động ở lại lâu hơn, công đoàn công ty luôn chú trọng đến các chế độ đãi ngộ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, xem người lao động là trung tâm phát triển của công ty” - ông Bùi Minh Vũ nói.
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về thích ứng an toàn với dịch bệnh đúng vào thời điểm những tháng cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp phải chạy nước rút để kịp đáp ứng đơn hàng của đối tác. Nhiều xí nghiệp, nhà máy phải tăng ca, tuyển thêm lao động để nâng công suất hoạt động. Hiện nay, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở thành phố Đà Nẵng thiếu hụt khoảng 10.000 lao động.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, hoặc giảm công suất hoạt động nên nhiều lao động tạm nghỉ chờ việc. Khoảng 20.000 lao động về quê tránh dịch đến nay vẫn chưa thể trở lại thành phố Đà Nẵng do việc đi lại giữa các địa phương còn nhiều trở ngại.
Để đáp ứng nhu cầu việc làm sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tuyển dụng lao động từ các tỉnh, thành phía Nam về quê tránh dịch.
Ông Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp và khu Công nghệ cao Đà Nẵng cho biết: “Thành phố Đà Nẵng nới rộng các hoạt động theo cấp độ 2. Qua nghiên cứu và qua trao đổi giữa Ban Quản lý và các doanh nghiệp, chỉ ở cấp độ 2 thì các trường học mới được phép mở cửa hoạt động trở lại. Đặc biệt, đối với những trường hợp công nhân trong các khu công nghiệp, đa số con cái của họ đều trong độ tuổi từ mầm non đến tiểu học. Các trường học hoạt động trở lại thì công nhân mới an tâm cho con cái đi học hoặc gửi con để đi làm. Như vậy, lao động trong các khu công nghiệp mới ổn định”./.