Đầu tháng 10, Bình Dương trở về trạng thái “bình thường mới” cũng là lúc các doanh nghiệp bắt đầu quay lại sản xuất sau một thời gian tạm ngưng do dịch COVID-19. Để sản xuất trong bối cảnh "sống cùng với dịch" các doanh nghiệp ở Bình Dương gặp không ít khó khăn nên đã liên tục kiến nghị ngành chức năng gỡ khó.

Doanh nghiệp trăn trở

Với phương châm “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”, Bình Dương đã đặt ra điều kiện cho doanh nghiệp muốn mở cửa trở lại phải thực hiện các phương án "3 xanh" gồm: nhà máy xanh, công nhân xanh, nhà trọ xanh, "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" và được ngành chức năng thẩm định. Mong muốn sớm quay lại sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động và chuẩn bị các bước đón công nhân trở lại nhà máy. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp trăn trở là việc hồ sơ phê duyệt bị các ngành chức năng, địa phương “ngâm” khá lâu khiến họ gặp không ít khó khăn.

Theo ông Cao Văn Đồng- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kettle Interiors Asia ở thành phố Dĩ An, cần bỏ cơ chế "xin - cho" và để doanh nghiệp tự quyết định việc hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội. Nếu cứ cơ chế này doanh nghiệp sẽ rất khó khôi phục sản xuất vì không thể chủ động thời gian.

“Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp trong nhóm đối tác của chúng tôi không thể và không dám quay lại sản xuất vì họ gửi kế hoạch lên ngành chức năng chưa phê duyệt, không có ngày trả lời. Hỏi thì các cơ quan chức năng trả lời, hiện có rất nhiều doanh nghiệp gửi lên không biết lúc nào mới trả lời hết để doanh nghiệp quay trở lại sản xuất." - ông Đồng cho biết.

Một vấn đề khiến doanh nghiệp lo lắng khi sản xuất trở lại là nguồn lao động. Bởi sau khi nới lỏng giãn cách xã hội đã có không ít lao động trở về quê. Doanh nghiệp mong muốn, ngoài nỗ lực của họ trong việc “giữ chân” người lao động thì chính quyền nên có chính sách ưu tiên, quan tâm hơn đến lao động ngoại tỉnh để họ yên tâm gắn bó với Bình Dương. Đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp và giúp tỉnh phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Bà Đỗ Loan- Giám đốc Công ty Sao Nam ở thị xã Tân Uyên, nhận định, các tỉnh đều có khu công nghiệp, nếu Bình Dương không có chiến lược đưa công nhân trở lại thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc tái hoạt động sản xuất.

Bà Đỗ Loan đề xuất: “Chúng ta nên tạo điều kiện, làm cầu nối đề xuất Bộ Y tế xin một nguồn vaccine dành riêng cho tất cả công nhân quay về địa phương. Chúng ta mời gọi tất cả công nhân bằng cách đưa xe chở họ về Bình Dương tiêm ngừa cho họ. Lao động về tỉnh càng nhiều thì kinh tế mới nhanh chóng hồi phục.”

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cho rằng, đã “sống cùng với dịch” thì vấn đề y tế phải được đặt lên hàng đầu. Cho nên, Bình Dương cần nhân rộng mô hình Trạm y tế lưu động trong khu, cụm công nghiệp để nhanh chóng, kịp thời giúp doanh nghiệp xử lý khi phát hiện F0 mà không phải ngừng sản xuất. Hiện nay, doanh nghiệp được phép tự test và cấp giấy xác nhận COVID-19 âm tính cho công nhân nhưng một số tỉnh, thành lân cận Bình Dương chưa chấp nhận giấy xác nhận này. Song song đó, doanh nghiệp cũng đề nghị việc bình ổn giá kit test để giảm bớt gánh nặng kinh tế và mong muốn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để tái sản xuất.

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 12/10, Bình Dương có hơn 4.200 doanh nghiệp sản xuất theo các mô hình "3 xanh", "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến". Bình Dương phấn đấu, đầu tháng 11/2021 sẽ có 90% trong tổng số 54.000 doanh nghiệp trong toàn tỉnh trở lại sản xuất.

Để đạt được mục tiêu đề ra, lãnh đạo tỉnh Bình Dương khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất trong bối cảnh "sống cùng với dịch". Cụ thể, Bình Dương đã thành lập 169 trạm y tế lưu động, trong đó có 21 trạm y tế lưu động trong khu, cụm công nghiệp. Trạm y tế lưu động đã đưa y tế đến gần với doanh nghiệp, với công nhân giúp nhiều nhà máy vẫn "sáng đèn" khi phát hiện F0. Bình Dương đã cho phép doanh nghiệp thay vì chỉ áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, "1 cung đường, 2 điểm đến" thì nay có thể áp dụng mô hình “3 xanh”, “3 tại chỗ linh hoạt”.

Đối với phản ánh của doanh nghiệp bị “ngâm” hồ sơ đăng ký hoạt động trở lại, lãnh đạo tỉnh Bình Dương lý giải, do các ngành, địa phương nhân lực mỏng và lo dập dịch nên còn chậm trong thẩm định hồ sơ. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chấp thuận và sẽ giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ hậu kiểm. Nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho doanh nghiệp, Bình Dương cũng đã liên hệ được nguồn kit test giá rẻ và doanh nghiệp có thể làm mẫu gộp 3 trong một lần xét nghiệm để giảm chi phí.

Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Sở Công thương đã là đầu mối đưa sản phảm của Hàn Quốc theo đạt chuẩn của Mỹ và Canada về đến tỉnh và hiện nay đã sử dụng hơn 1,2 triệu test với giá 61.800 đồng/test. Đại lí ở Bình Dương mua 100-200 kit có giá 75.000 đồng nhưng chúng tôi đang đàm phán phải xuống đúng mức kỳ vọng bán lẻ đến người tiêu dùng nằm ở giá 65.000 đồng/kit, từ đó giảm chi phí rất nhiều cho doanh nghiệp.”

Vấn đề vaccine phòng COVID-19, hiện toàn tỉnh đã tiêm vaccine mũi 1 cho 99% người dân trên 18 tuổi, kể cả lao động không có tạm trú và hơn 20% dân số tiêm mũi 2. Đây là điều kiện để Bình Dương tự tin bước vào giai đoạn mới, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh và phục hồi sản xuất. Để tạo hệ miễn dịch cộng đồng, sắp tới Bình Dương tiếp tục kiến nghị Trung ương phân bổ vaccine và sẽ ưu tiên cho công nhân lao động.

Ông Nguyễn Văn Lợi- Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh, để phát triển kinh tế và giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất rất cần có lao động. Do đó, các ngành nghiên cứu giải pháp đưa công nhân trở lại mà không gây bùng phát dịch bệnh. Khi họ trở lại phải quan tâm, chăm lo để yên tâm gắn bó lâu dài: “Người lao động quay lại làm việc và cả người lao động ở lại Bình Dương thì phải ưu tiên vaccine. Khi họ trở lại nếu còn vaccine chúng ta sẽ tiêm cho người ao động. An sinh xã hội, những người chưa nhận được chính sách của Trung ương và địa phương phải cho họ nhận, dù có tăng thêm nhưng cũng phải giải quyết."

Trong bối cảnh đã rất khó khăn vì dịch bệnh, doanh nghiệp ở Bình Dương mong muốn những giải pháp của tỉnh cần được triển khai một cách nhanh chóng, hiệu quả. Có như vậy, doanh nghiệp mới yên tâm để sản xuất và gỡ nút thắt, cũng như nỗi lo đứt gãy chuỗi sản xuất./.