Tại hội thảo những quy định mới về thuế và hải quan do Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức ngày 16/5 tại Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu bày tỏ quan ngại đối với kiểm toán, hải quan và những quy định xử phạt sai sót hành chính trong kê khai thuế. Việc đặt ra các điều luật để tận thu thuế và phạt nặng các lỗi hành chính sẽ làm xấu đi môi trường đầu tư vốn đã nhiều thách thức tại Việt Nam, làm xói mòn niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài.

thue_hai_quan_hqwo.jpg
Cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu bày tỏ quan ngại đối với kiểm toán, hải quan và những quy định xử phạt sai sót hành chính trong kê khai thuế. 

Ông Shivam Misra, đồng Chủ tịch Tiểu ban Rượu vang – Rượu mạnh thuộc Eurocham, cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu rất quan ngại khung pháp lý và cách thức thực thi quy định hải quan. Đặc biệt, khi sai sót hành chính được sử dụng là cơ sở đánh giá hoặc áp đặt mức phạt nặng mà không cần dựa trên những quy tắc công bằng. Điều này làm giảm lòng tin của các doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam khiến họ buộc phải cân nhắc quyết định đầu tư cũng như giảm quy mô hoạt động nếu môi trường không có lợi cho hoạt động kinh doanh.

Báo cáo đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016 về cải cách thủ tục hành chính thuế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp có ý kiến là chính sách thuế thay đổi quá nhiều lần trong một năm, doanh nghiệp chưa kịp thông suốt thông tư, nghị định này thì đã có thông tư, nghị định khác xuất hiện.

Theo một khảo sát năm 2016 của VCCI, vẫn còn 55% doanh nghiệp từng gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin quy định về thuế và thủ tục hành chính thuế. Con số này là 70% trong khảo sát năm 2014.

Khảo sát này cho thấy, vẫn có 31% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính hải quan, cao hơn mức 28% ghi nhận trong năm 2015.

Đặc biệt, trong năm 2016, 34% doanh nghiệp cho biết có hiện tượng chi trả chi phí không chính thức, cao hơn mức 32% trong khảo sát năm 2014. Thậm chí, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp FDI còn cao hơn, lên đến 44%.

Các doanh nghiệp kiến nghị, các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục hải quan thường xuyên thay đổi có rất nhiều quy định về chính sách thủ tục hải quan, doanh nghiệp không thể cập nhật kịp thời, sự kết nối giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan nhiều lúc còn hạn chế.

Đại diện một công ty dệt may phản ánh thực trạng: Khoảng cách giữa chính sách và thực thi còn lớn. Công văn chính phủ thì nói rằng ngành thuế không được kiểm tra chồng chéo, tuy nhiên chỉ trong vòng 2-3 tháng, doanh nghiệp lại tiếp nhận đến 3 đoàn thuế khác nhau. Doanh nghiệp có kiến nghị nhưng chưa được giải quyết. Tiếp đó là vấn đề về minh bạch, doanh nghiệp cho rằng, dữ liệu của cục thuế chưa được minh bạch, chưa có tiêu chí cụ thể khi tiến hành thanh tra…

Doanh nghiệp này kiến nghị Tổng cục thuế cần có những chính sách nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương. Bên cạnh đó, cần có cách để doanh nghiệp có thể tiếp cận được với cơ quan cấp trung ương nếu thấy cấp địa phương giải quyết chưa thỏa đáng.

Về xác định giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, ông Vũ Văn Hải - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, nếu bên phía doanh nghiệp sai sót thì bên phía hải quan sẽ xác định lại bằng văn bản. Nếu bên phía hải quan làm sai thì cần thiết phải hoàn trả theo yêu cầu, nếu chưa có tiếng nói chung thì có quyền khởi kiện.

Ông Hải cũng cho biết thêm, cơ quan hải quan vừa cũng đã tiến hành cải cách các thủ tục hành chính, cắt các thủ tục phiền hà, và vận hành hệ thống thông quan điện tử để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh nhất./.