Nguyên nhân được đưa ra là một số doanh nghiệp trốn thuế, hoặc trây ỳ việc nộp thuế thậm chí có những doanh nghiệp làm ăn thất bại dẫn đến phá sản, không nộp thuế sau thời gian được ân hạn. Việc siết chặt này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu ngành dệt may, da giày, thủy sản… như ngồi trên đống lửa.
Hiện nay 4 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta là dệt may, da giày, thủy sản, điện tử đang thiếu nguyên liệu chế biến từ 30 đến 80% và phải phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu. 
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, việc quy định phải nộp thuế ngay với thuế suất nhập khẩu nguyên liệu thủy sản 5%, hoặc phải có bảo lãnh của ngân hàng sẽ khiến hạn mức vay vốn bị cắt bớt, làm tăng chi phí hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, kéo theo giá thành cũng sẽ tăng từ 3 đến 10% tùy ngành hàng. 
detmay1than1.jpg
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ngành dệt may, da giày, thủy sản... lo lắng khi bỏ ân hạn thuế
Ông Trương Đình Hòe kiến nghị: Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan của Chính phủ cần có những nghiên cứu chi tiết, phân lập các hoạt động liên quan đến vấn đề nhập khẩu và có sự duy trì chính sách ân hạn thuế 275 ngày đối với hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu cho chế biến xuất khẩu; đồng thời có những biện pháp kiểm soát việc trây ỳ hoặc không đóng thuế đối với doanh nghiệp liên quan đến nhập khẩu, thay vì đổ đồng cho một phương thức bắt buộc các doanh nghiệp phải đóng thuế ngay hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng”.
Nếu bỏ chính sách ân hạn thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp dệt may, đặc biệt là những doanh nghiệp trực tiếp mua nguyên vật liệu và bán thành phẩm (FOB). Hiện giá trị sản xuất hàng FOB đã chiếm đến 70 - 80% trị giá kim ngạch xuất khẩu của ngành. 
Theo tính toán của Hiệp hội Dệt may, việc bỏ ân hạn thuế sẽ làm giá thành sản phẩm xuất khẩu riêng ngành này tăng từ 8% đối với trường hợp bảo lãnh ngân hàng và đến 16% trường hợp vay tiền nộp thuế nhập khẩu. 
Theo bà Đặng Phương Dung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, sẽ lãng phí nếu như toàn bộ số thuế này phải nộp ngay rồi lại chờ hoàn thuế, trong khi số tiền đó có thể đưa vào đầu tư kinh doanh. 
Bà Đặng Phương Dung nhấn mạnh: Bãi bỏ chính sách ân hạn thuế chỉ vì con sâu bỏ rầu nồi canh, những lực lượng rất ít không thực hiện tốt, như vậy là không được bình đẳng và không phải là biện pháp tốt. Thứ hai là trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp đang rất khó khăn, đang phải vật lộn để có được cạnh tranh, có được đơn hàng để đảm bảo việc làm cho người lao động và tồn tại. Vào lúc này lại đưa thêm một yêu cầu như vậy là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. 
Việc sửa đổi quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần chống gian lận, nợ thuế, giảm bớt chi phí quản lý thuế, thu nợ thuế là việc làm cần thiết. Tuy nhiên,  Tổng Cục Hải Quan- Bộ Tài Chính cần xem xét cho phù hợp với lợi ích từ hai phía: Nhà quản lý - Doanh nghiệp./.