Sáng nay (21/9), tại TP. Hồ Chí Minh, Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức tọa đàm về Kết nối vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp với sự tham gia của một số chuyên gia kinh tế, đại diện ngân hàng, quỹ đầu tư và gần 100 doanh nghiệp khởi nghiệp.

tiep_can_von_fwvq.jpg
Nhiều đơn vị khởi nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn (Ảnh minh họa: KT)

Trên thực tế, khi doanh nghiệp khởi nghiệp bắt đầu một hướng đi, một dự án sản xuất, kinh doanh mới thì vấp ngay phải vấn đề về vốn. Doanh nghiệp khi khởi nghiệp khó tìm được vốn từ các quỹ đầu tư hay ngân hàng vì nhiều lý do.

Theo một số chuyên gia kinh tế, vốn từ các quỹ đầu tư và ngân hàng dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp là không hiếm, nhưng tính khả thi, độ thuyết phục của các đề án sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp đưa ra chưa đủ mạnh để được đầu tư vốn.

Nguyên nhân là do chủ của các doanh nghiệp khởi nghiệp đa phần là các bạn trẻ, thiếu kiến thức ở nhiều lĩnh vực có liên quan, chưa nắm được cơ chế, yêu cầu, dịch vụ của các ngân hàng. Đơn cử như Sacombank cũng rất quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp và năm 2017 dự kiến dành 3.000 tỷ đồng cho đối tượng khách hàng này nhưng mới chỉ giải ngân được khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ông Hồ Trọng Lai, phụ trách khu vực châu Á của công ty tư vấn Waterstone Capital Partners LLC (Mỹ) cho rằng: Ở Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp hiện nay có thể tìm thông tin về nguồn vốn ngay từ phương tiện thông tin đại chúng, internet và cả mạng xã hội. Nhưng để gọi được vốn thì phải có một bản giới thiệu đề án thuyết phục và trình bày với nhà đầu tư bằng một thái độ chừng mực. Điều này rất quan trọng để nhà đầu tư tin tưởng giao vốn.

Trong đề án đó, theo ông Lai, cần đề nghị cụ thể về vốn, thể hiện sự chuẩn bị về nhân sự để có vốn là triển khai ngay, đưa ra mô hình sản xuất kinh doanh, có phương án sử dụng vốn và thu hồi vốn… Những điều này tưởng chừng như hiển nhiên chủ doanh nghiệp khởi nghiệp cần có, nhưng đa số lại thiếu./.