Luật sư Phạm Anh Tuấn, Văn phòng Luật sư Phạm & Liên Danh đưa ra nhận định tại buổi tọa đàm "Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) theo quy định của Bộ Luật hình sự (sửa đổi)" tổ chức ngày 18/4, tại Hà Nội.

vov_doanh_nghiep_doi_mat_nguy_co_bi_truy_to_mqms.jpg
Luật sư Phạm Anh Tuấn, Văn phòng Luật sư Phạm & Liên Danh.
Theo luật sư Phạm Anh Tuấn, với quy định tại điều 225 và 226 tại Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi), khái niệm "quy mô thương mại" đã quy định theo cam kết tại Điều 61 Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) mà Việt Nam là thành viên.

Như vậy, kể từ ngày 1/1/2018, các pháp nhân thương mại xâm phạm quyền SHTT có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng tùy theo mức độ xâm phạm.

Doanh nghiệp vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực, cấm huy động vốn từ 1 đến 3 năm.

Thạc sĩ Lê Thị Vân Anh, Trưởng phòng Pháp luật hình sự, Vụ Pháp luật hình sự, Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Luật hình sự năm 2015 lần đầu tiên có quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và các hành vi xâm phạm quyền SHTT, quyền tác giả, quyền liên quan.

Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có bất cứ hướng dẫn hay quy định cụ thể nào về khái niệm quy mô thương mại để có căn cứ xử lý các pháp nhân thương mại.

"Với quy định cụ thể trong Bộ Luật hình sự sửa đổi, hình phạt nặng nhất đối với pháp nhân thương mại vi phạm quyền SHTT là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và mức phạt tiền lên tới 18 tỷ đồng. Ngoài ra, việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân", bà Lê Thị Vân Anh nhấn mạnh.

Cũng theo quy định sửa đổi Bộ Luật hình sự 2015 có hiệu lực 1/1/2018, tội xâm phạm quyền tác giả có thể bị khởi tố mà không cần có yêu cầu của bị hại; Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp vẫn cần có yêu cầu của bị hại mới có thể khởi tố.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Lương Minh Huân, Phó Viện trưởng, Viện Phát triển Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam ngày càng tham gia tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, gần đây nhất là việc hiệp định  Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết tháng 3/2018.

Tọa đàm "Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) theo quy định của Bộ Luật hình sự (sửa đổi)".

"Tham gia vào sân chơi quốc tế, các doanh nghiệp trong nước sẽ có được nhiều cơ hội kinh doanh khi được tiếp cận với thị trường rộng lớn nhưng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như áp lực cạnh tranh và tuân thủ các quy định, luật chơi quốc tế, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ. Với Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi), doanh nghiệp gặp nguy cơ rất lớn bị truy tố nếu không kiểm soát tốt nội bộ", ông Lương Minh Huân nói.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế với khu vực và thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do với các đối tác hàng đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có thực thi bằng biện pháp hình sự, là một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và là nội dung được đặc biệt nhấn mạnh bởi các đối tác phát triển.

"Nhất là, các nước phát triển có xu hướng "hình sự hóa" các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ bằng cách mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp thực thi hình sự, không chỉ nhãn hiệu, quyền tác giả, quyền liên quan mà cả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp...", ông Lê Ngọc Lâm lưu ý.

"Bộ luật Hình sự 2015 là bước tiến quan trọng, góp phần đưa pháp luật hình sự của nước ta gần hơn với chuẩn mực pháp luật của các nước tiên tiến trên thế giới. Qua đó tăng cường tính răn đe của pháp luật hình sự đối với tội phạm song cũng đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước nhiều thách thức trong việc tuân thủ pháp luật", ông Lâm nói.

Các loại hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

1. Quyền tác giả

- Doanh nghiệp sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan cần chú ý tới hành vi sao chép và phân phối.

- Doanh nghiệp là chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan cần lưu ý biện pháp bảo vệ độc quyền tài sản khác như quyền biểu diễn, truyền đạt tác phẩm đến công chúng, quyền làm tác phẩm phát sinh, quyền phát sóng, đặc biệt là sử dụng thứ cấp tác phẩm bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại.

2. Quyền sở hữu công nghiệp

- Doanh nghiệp sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan cần chú ý tới hành vi xâm phạm nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

- Doanh nghiệp là chủ thể quyền sở hữu công nghiệp cần lưu ý biện pháp bảo vệ các đối tượng sở hữu công nghiệp khác như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn thương mại, bí mật kinh doanh.../.