Báo điện tử VOV nhận được đơn kêu cứu của nhiều nhà đầu tư tố cáo Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng 573 (gọi tắt là Công ty 573, một công ty con của Cienco 5, thuộc Bộ Giao thông Vận tải) về việc “lừa tiền” góp vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng tại dự án xây dựng tổ hợp khách sạn, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp HH1 (gọi tắt dự án HH1) tại khu đô thị Mễ Trì Hạ (xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội). Chưa giải quyết xong nợ nần với khách hàng, ông Bạch Ngọc Du lại tiếp tục được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT của Cienco 5.
Công ty 573 liên tục bội tín
Theo Hợp đồng “Hợp tác đầu tư số 18/BCC/2009 Dự án HH1 mà ông Nguyễn Đức Tùng (thường trú tại P104, B3 tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) ký với ông Bạch Ngọc Du – Chủ tịch HĐQT Công ty 573, thì ông Tùng góp số tiền 17.850.000.000 đồng (mười bảy tỷ, tám trăm năm mươi triệu đồng) để thực hiện dự án HH1. Theo Hợp đồng, Công ty 573 khởi công xây dựng công trình vào đầu Quý 3/2009 (tức tháng 10/2009) và thời gian thi công, bàn giao công trình là 25 tháng. Như vậy, cuối Quý 3/2011, ông Tùng phải được nhận bàn giao công trình và thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để sở hữu căn hộ đã góp vốn đầu tư. Thực tế, ông Tùng đã thực hiện việc góp vốn theo đúng tiến độ như quy định trong Hợp đồng với tổng số tiền đã nộp cho Công ty 573 là 10.710.000.000 đồng (mười tỷ bảy trăm mười triệu đồng).
Sau nhiều năm nhận tiền góp vốn của khách hàng, dự án HH1 vẫn chỉ là một bãi đất trống |
Tuy nhiên, phía Công ty 573 không thực hiện đúng tiến độ khởi công, xây dựng và bàn giao công trình như cam kết với khách hàng trong các hợp đồng góp vốn hợp tác đầu tư dự án HH1. Tháng 2/2012, ông Tùng đã có văn bản yêu cầu chấm dứt hợp đồng góp vốn hợp tác đầu tư và ông Bạch Ngọc Du, Chủ tịch HĐQT Công ty 573 đã đồng ý chấm dứt hợp đồng; đồng ý trả lại tiền nhận góp vốn cho ông Tùng. Đến tháng 5/2012, Công ty 573 có văn bản xác nhận trả lãi suất đối với số tiền vốn góp đã nhận của ông Tùng là hơn 187 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, kể từ đó đến nay (ngày 5/1/2015), Công ty 573 không thực hiện việc trả tiền như cam kết, tổng số tiền mà Công ty 573 trả cho ông Tùng mới đạt 40% tổng số gốc và lãi.
Cùng là nạn nhân như ông Tùng, bà Đỗ Ngọc Chi ở 162A Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội và Trần Thị Phượng (ở phố Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) cũng ký hợp đồng góp vốn với Công ty 573 để nhận lại sự bội tín. Trong đó, theo Hợp đồng số 22/BCC/2010 mà bà Chi và bà Phượng ký kết với ông Bạch Ngọc Du thì phía Công ty 573 cam kết sẽ khởi công dự án HH1 vào đầu quý I năm 2010 và bàn giao công trình trong thời hạn 25 tháng kể từ ngày khởi công. Theo hợp đồng góp vốn, bà Chi và bà Phượng góp số tiền 17.850.000.000 đồng (mười bảy tỷ tám trăm năm mươi triệu đồng) để thực hiện dự án HH1. Ngày 19/1/2010 bà Chi và bà Phượng đã góp vốn lần thứ nhất số tiền 8.925.000.000 đồng (tám tỷ chín trăm hai lăm triệu đồng) theo đúng hợp đồng. Sau đó, ngày 10/3/2011, họ tiếp tục góp lần hai số tiền 1.785.000.000 (một tỷ, bảy trăm tám lăm triệu đồng) như cam kết. Tổng cộng cả hai đợt, bà Chi và bà Phượng đã góp tổng số tiền 10.710.000.000 (mười tỷ, bảy trăm mười triệu đồng).
Sau môt thời gian dài chờ đợi mà không thấy Công ty 573 thực hiện đúng tiến độ khởi công, xây dựng và bàn giao công trình dự án HH1 như cam kết, bà Chi và bà Phượng cũng đã làm đơn yêu cầu chấm dứt hợp đồng góp vốn gửi Công ty 573 và chưa được Công ty 573 trả lời.
Như vậy, tổng số tiền góp vốn của riêng ông Tùng, bà Chi và bà Phượng đã nộp cho Công ty 573 lên tới 22.420.000.000 đồng (hai mươi hai tỷ, bốn trăm hai mươi triệu đồng). Đổi lại, cả 3 khách hàng này chỉ nhận được sự bội tín của Công ty 573 kéo dài trong nhiều năm qua khiến họ rơi vào cảnh khốn khó. Ngoài số tiền mà Công ty 573 đã trả cho ông Tùng (40% tổng cả gốc và lãi), số tiền Công ty 573 còn ôm của 3 khách hàng này rất lớn.
Dấu hiệu lừa đảo hàng chục tỷ đồng
Trong khi đó, các khách hàng góp vốn này đã giục Công ty 573 về tiến độ và giải trình rõ ràng việc sử dụng nguồn vốn thì nhận được câu trả lời sẽ bàn giao đúng kế hoạch. Khi thấy Công ty 573 liên tục bội tín, vi phạm cam kết, ông Tùng đã yêu cầu chấm dứt hợp đồng góp vốn, yêu cầu Công ty 573 trả lại tiền và đã được đồng ý nhưng cũng không thực hiện đầy đủ như cam kết. Còn bà Chi và bà Phượng đã có yêu cầu tương tự nhưng vẫn chưa được Công ty 573 trả lời.
Câu hỏi đặt ra là sau nhiều lần vi phạm tiến độ theo như hợp đồng cam kết, Công ty 573 cũng không trả lại tiền góp vốn đầu tư và tiền phạt theo hợp đồng cho khách hàng, thì số vốn khách hàng góp để đầu tư xây dựng dự án HH1 được Công ty 573 sử dụng vào mục đích gì?
Những sai phạm này bắt đầu từ thời ông Bạch Ngọc Du giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty 573. Song, dù đưa hàng loạt khách hàng vào “bẫy” tại dự án HH1 với số tiền góp vốn hàng chục tỷ đồng, ông Bạch Ngọc Du vẫn được lên chức Chủ tịch HĐQT Cienco 5 từ năm 2013. Hiện tại, các nhà đầu tư này đã trót góp vốn vào dự án HH1, thấy mình bị lừa nên liên hệ với lãnh đạo Công ty 573 đương nhiệm để yêu cầu giải quyết vụ việc nhưng liên tục nhận được sự quanh co hoặc tránh mặt.
Những dấu hiệu lừa đảo khách hàng của Công ty 573 thuộc Cienco 5 là rõ ràng. Hy vọng Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng liên quan sẽ vào cuộc làm rõ vụ việc và trả lại công bằng cho các khách hàng đã góp vốn vào dự án HH1 của Công ty 573./.