Theo Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có 42 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang xây dựng nhà máy hoặc đã đi vào hoạt động nhưng chủ đầu tư bỏ về nước, không liên lạc được và gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Ngoài việc không thể yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục giải thể, khó khăn trong việc xử lý tài sản thế chấp vốn là nhà xưởng, máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất gắn liền với đất thuê. Trong khi đó các dự án vắng chủ vẫn chưa thực hiện thủ tục thanh lý, giải thể, chưa bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư nên vẫn tồn tại pháp nhân. Do vậy, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư không thể cấp cho một dự án khác vào cùng địa điểm của dự án vắng chủ này.Trình trạng này đã tồn tại và kéo dài nhiều năm qua, gây lãng phí quỹ đất, thiệt hại cho công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và gây khó khăn cho ngân hàng trong việc tìm đối tác mua lại tài sản thế chấp. Bà Dương Thị Hạt, Trưởng phòng doanh nghiệp – Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết: "Những doanh nghiệp vắng chủ này cũng có nhiều dạng của nhiều quốc gia, đa số là những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Có những trường hợp trong quá trình hoạt động kinh doanh có khó khăn, rồi vay nợ ngân hàng không thanh toán được. Ngân hàng kiện thì doanh nghiệp không còn tài sản để hoạt động nữa, chủ đầu tư cũng không làm thủ tục chấm dứt dự án và họ để lại tài sản cho ngân hàng và tòa án xử lý. Cũng có những trường hợp nợ nần, doanh nghiệp không tham gia xử lý mà tự bỏ về nước".
Hiện nay, ở Đồng Nai 9 doanh nghiệp có chủ bỏ trốn chưa hoàn tất thủ tục thanh lý tài sản và 29 doanh nghiệp chưa thực hiện các thủ tục thanh lý, phá sản do các cơ quan quản lý của tỉnh không liên lạc được với chủ doanh nghiệp. Có trường hợp như Công ty Xích chuyên dùng thuê 14.000 m2 đất tại khu công nghiệp Biên Hòa 2 đã ngưng hoạt động từ cuối năm 2010, còn nợ tiền thuê đất và phí hạ tầng hơn 1,5 tỷ đồng; nợ các ngân hàng trên 2 triệu đô la Mỹ; nợ thuế Nhà nước và các khoản bảo hiểm xã hội cho người lao động trên 18 tỷ đồng. Tương tự, chủ đầu tư của Công ty Dệt Đông Nam đã bỏ trốn về nước sau khi bán tài sản cho Công ty cổ phần Vĩnh Phú, để lại khoản nợ thuế, nợ Bảo hiểm xã hội hơn 300 triệu đồng, đặc biết là nợ tiền thuê đất và phí dịch vụ hạ tầng hơn 155.000 đô la Mỹ. Tình trạng này diễn ra từ rất lâu đã làm phát sinh vô số rắc rối.
Thiệt thòi mà người lao động trong các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn cũng rất lớn, ngoài việc bị doanh nghiệp quỵt tiền lương thì cơ quan bảo hiểm cũng không thể chốt sổ cho công nhân nên không thể giải quyết chế độ cho họ. Về lâu dài, điều này tác động đến quỹ lương hưu. Có một nghịch lý không chỉ trực tiếp ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động mà còn dẫn đến nguy cơ thất thu cho nhà nước. Đó là hiện nay, sổ bảo hiểm xã hội của người lao động lại không do người lao động nắm giữ mà nằm trong tay doanh nghiệp. Do đó, cơ quan chức năng khó kiểm soát việc gian lận, khai báo sai thực tế, hồ sơ ảo… Còn người lao động thì hoàn toàn “mù tịt”, bởi họ không thể biết việc đóng bảo hiểm của mình có được chủ sử dụng lao động thực hiện hay không. Ông Phạm Minh Thành, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai kiến nghị công an nên vào cuộc trong những trường hợp người đại diện chủ sử dụng lao động thực chất qua đây làm Tổng giám đốc điều hành nhưng cũng chỉ là người làm thuê.
Sự bất cập trong cơ chế chính sách đã và đang gây khó khăn cho các cơ quan quản lý và làm thiệt hại không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhìn rộng ra đó là sự thất thoát lãng phí quá lớn đối với các nguồn lực xã hội. Chính vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp lý cho phù hợp với thực tiễn sản xuất là vấn đề bức thiết hiện nay./.