Xử lý nợ xấu cần theo đặc thù riêng của Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Thuyết, Trưởng phòng Ngân hàng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), cho rằng việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xử lý nợ xấu là rất cần thiết, nhưng những giải pháp đề ra cần tính đến đặc thù và điều kiện riêng có của Việt Nam để đảm bảo xử lý một cách hài hoà, hiệu quả, tránh gây sốc trong hệ thống doanh nghiệp, ngân hàng và toàn nền kinh tế.

Với Việt Nam, theo ông Thuyết, xử lý nợ xấu cần phải thực hiện cùng với các giải pháp ngăn ngừa nợ xấu phát sinh. Nếu chỉ dừng lại ở việc xử lý nợ xấu mà không nâng cao chất lượng hoạt động, giảm thiểu rủi ro của các ngân hàng thì sau một thời gian, nợ xấu sẽ tích lũy và quy mô ngày càng lớn.

noxaunganhang1.jpg

“Trách nhiệm xử lý nợ xấu trước hết của tổ chức tín dụng và xử lý phải theo nguyên tắc thị trường, do các tổ chức tín dụng cho vay theo nguyên tắc thị trường”- ông Thuyết nhấn mạnh. Giải pháp hỗ trợ của nhà nước, theo ông Thuyết, chỉ thực hiện đối với một số nợ xấu còn lại sau khi tổ chức tín dụng đã tự xử lý theo nguyên tắc đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế và xã hội.

Nhiều giải pháp mạo hiểm

Việc hạn chế và xử lý các khoản nợ xấu phát sinh luôn là bài toán đặt ra không chỉ đối với bản thân ngân hàng mà còn là của toàn nền kinh tế, của các cấp, các ngành, các địa phương.

Từ góc nhìn của người làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Thuyết cho biết giải pháp xử lý nợ xấu đối với các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng gồm: Tiếp tục khai thác xử lý các khoản nợ có tài sản bảo đảm, đòi nợ người bảo lãnh.

Trong đó, vấn đề phức tạp nhất là xử lý tài sản là nhà, đất vì đã có nhiều thay đổi trong các quy định cấp giấy tờ sở hữu, quyền sử dụng…“Ngân hàng cần có biện pháp bổ sung khi khách hàng đã xin đổi, cấp lại giấy tờ theo quy định mới để làm cơ sở cho việc xử lý tránh xảy ra việc lợi dụng, lừa đảo”- ông Thuyết lưu ý.

Đồng thời, cần dùng dự phòng rủi ro và chủ động tăng mức trích lập dự phòng các khoản nợ xấu để xử lý; Tăng cường đôn đốc, xử lý đối với từng khoản vay; Chuyển nợ xấu thành cổ phần hoặc vốn góp có giá trị tương đương… “Tuy nhiên, đây là giải pháp khá mạo hiểm cần có sự nghiên cứu, cân nhắc trước khi thực hiện” – ông Thuyết trăn trở.

Cạnh đó, để ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu phát sinh, cần hoàn thiện và thực hiện nghiêm ngặt quy trình tín dụng; nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng; phân tích, phân loại nợ xấu theo định kỳ; tăng cường chất lượng kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kỹ năng công tác quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng; đánh giá rủi ro thanh khoản, cân đối vốn và sử dụng vốn, tăng trưởng; thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo tiền vay;…

Hạn chế dùng nguồn tài chính của Nhà nước

Về phía Nhà nước, giải pháp để xử lý nợ xấu, ông Thuyết cho biết: cần hỗ trợ thông qua cơ chế, chính sách (tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo, mua bán nợ...) hạn chế tối đa sử dụng nguồn tài chính của Nhà nước để xử lý.

Khuyến khích phát triển thị trường nợ thứ cấp để tạo thị trường mua bán cho các khoản nợ. Ông Thuyết cho rằng, đến nay, thị trường mua bán nợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển vì chưa có khuôn khổ pháp lý cho loại thị trường này.

Để thị trường mua bán nợ hoạt động được đòi hỏi các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) của các ngân hàng thương mại phải hoạt động tích cực hơn và phải theo nguyên tắc thị trường, đồng thời khuôn khổ pháp lý cần quy định rõ luật chơi.

Chẳng hạn, ông Thuyết lấy ví dụ: “người mua và người bán tự làm việc với nhau hoặc hình thành các định chế hỗ trợ, đó là các công ty đánh giá tài sản, công ty định giá nợ”.

DATC không thể là giải pháp duy nhất

Cần thiết tăng cường năng lực cho Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) để tham gia tích cực vào quá trình xử lý nợ của các tổ chức tín dụng hiện nay. Bởi ông Thuyết cho hay, kết quả hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu các doanh nghiệp cho thấy đây là hình thức xử lý nợ rất hiệu quả và đặc biệt thích hợp trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế, khi mà rất nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh với gánh nặng nợ phải trả rất lớn, và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang gia tăng nhanh chóng.

Việc xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp sẽ góp phần làm giảm bớt mức độ tiêu cực của khủng hoảng, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, “DATC không phải và không thể là giải pháp duy nhất để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay. DATC có thể là một kênh quan trọng, một giải pháp xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng một cách hiệu quả” – ông Thuyết nhấn mạnh.

Những khoản nợ xấu có thể được DATC xử lý là những khoản nợ có tài sản đảm bảo, với khách nợ là những doanh nghiệp mặc dù hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhưng có tiềm năng phục hồi và phát triển./.