Ngày 17/4, Hội thảo giao thương ngành gạo giữa tỉnh An Giang của Việt Nam với Trung Quốc do Sở Công Thương tỉnh An Giang và Phân hội gạo thuộc Hiệp hội Lương thực Trung Quốc đồng chủ trì đã diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Công Thương An Giang, bà Mai Thị Ánh Tuyết, nhấn mạnh An Giang hiện đứng đầu các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng gạo, đạt khoảng 4 triệu tấn/năm.
Những năm gần đây, An Giang đã chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển cây lúa nên sản lượng và chất lượng lúa gạo ngày một nâng cao. Hiện An Giang xuất khẩu gạo sang hơn 70 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới với lượng gạo xuất khẩu đạt trên 600.000 tấn/năm. 
gao-vn.jpg
Bốc xếp gạo xuất khẩu. (ảnh: TTXVN)
 An Giang có 17 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đáp ứng được điều kiện xuất khẩu gạo theo tiêu chuẩn của Chính phủ Việt Nam về vùng sản xuất, kho bãi, gia công, chế biến… Các doanh nghiệp của tỉnh tập trung vào thị trường châu Á, châu Âu và đang hướng tới châu Mỹ. Các doanh nghiệp của tỉnh An Giang đi đầu cả nước về xây dựng cánh đồng mẫu, vùng sản xuất nguyên liệu và có thể đáp ứng được các yêu cầu của các nhà nhập khẩu.
Tại hội thảo, đại diện phía Trung Quốc, ông Tống Đơn Phi (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Trung Quốc) đã giới thiệu về tình hình xuất nhập khẩu gạo của nước này. 
Năm 2013, Trung Quốc nhập khẩu hơn 2,2 triệu tấn gạo, giảm hơn 100.000 tấn so với năm 2012, xuất khẩu 478.000 tấn, tăng 199.000 tấn so với năm 2012, nhập khẩu ròng hơn 1,7 triệu tấn, giảm 300.000 tấn so với năm 2012. Trong khi trước năm 2010, Trung Quốc luôn là nước xuất khẩu ròng gạo, với năm 2000 lượng xuất khẩu cao nhất đạt trên 2,9 triệu tấn. Từ năm 2011, Trung Quốc ba năm liền trở thành nước nhập khẩu ròng gạo, với lượng gạo nhập khẩu lũy kế lên tới trên 3,9 triệu tấn.
Phó Chủ tịch Phân hội gạo, Hiệp hội Lương thực Trung Quốc, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn gạo Cổ Thuyền Bắc Kinh Lưu Á Châu cho biết tham dự hội thảo có rất nhiều doanh nghiệp gạo lớn của Bắc Kinh, với tỷ lệ bao phủ thị trường lên tới 95%, vì vậy, đây là cơ hội để các doanh nghiệp An Giang tìm hiểu thị trường Bắc Kinh nói riêng và Trung Quốc nói chung.
Trước đó, tại cuộc hội đàm song phương giữa Sở Công thương An Giang và Phân hội gạo thuộc Hiệp hội Lương thực Trung Quốc, ông Khích Kiến Vĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Trung Quốc kiêm Chủ tịch Phân hội gạo, trưởng đoàn Trung Quốc, cho rằng hội thảo có ý nghĩa quan trọng đối với việc mở cửa thị trường phía Bắc Trung Quốc, giúp các doanh nghiệp gạo phía Bắc Trung Quốc có thể tiếp cận và tìm hiểu kỹ hơn về thị trường lúa gạo Việt Nam.
Ông Khích Kiến Vĩ chỉ ra rằng mặc dù vấn đề chất lượng gạo của Việt Nam đã được cải thiện, tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý hơn nữa vấn đề giống lúa và việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp vì người tiêu dùng Trung Quốc rất quan tâm tới vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông cũng đề xuất cuối năm 2014 hoặc đầu năm tới hai bên cần phối hợp tổ chức Hội thảo về lúa gạo ở Trung Quốc hoặc Việt Nam./.