Cuộc giải cứu tư duy quản trị sản xuất nông nghiệp cần được hiểu là thay đổi tư duy hoạch định chính sách, điều hành và thực thi chính sách sản xuất nông nghiệp. Đó là sự đổi mới nhận thức và hành động một cách khoa học và từ chính thực tiễn năng lực nền sản xuất và nhu cầu của thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Bởi lẽ, những năm gần đây, chuyện "giải cứu nông sản" tưởng như ngày càng trở nên xưa cũ, nhưng thực tế chuyện cũ cứ tái diễn liên tục và không bớt nóng trong tâm điểm thời sự kinh tế - xã hội. Sự việc giải cứu củ cải và su hào tại Hà Nội, Hải Dương... mấy ngày nay đang là những ví dụ sinh động minh chứng điều đó. Chuyện củ cải, su hào trồng ra thừa mứa, giảm giá thảm hại đến mức nông dân không bõ công thu hoạch để bán, hoặc phải kêu gọi sự giải cứu được báo chí phản ánh dày đặc.
Ảnh minh họa |
Trong dòng thời sự đó, thấy cả những than thở, thậm chí nước mắt của nông dân vì xót của, rồi có cả những giải thích từ đại diện cơ quan chức năng về nguyên do cơ sự. Một trong những thông tin rất đáng lưu tâm là đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trồng trọt (Cục trồng trọt, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dẫn chứng nhiều con số để chứng minh rằng, tình trạng củ cải, su hào phải đổ bỏ hay giải cứu như gần đây chỉ là cá biệt và thiểu số trong tổng thể diện tích và sản lượng cả mùa vụ. Hơn nữa, trước khi phải đổ bỏ hay giải cứu, nhiều nông hộ đã thu được cả hàng trăm triệu đồng...
Đành rằng, nếu tính tỷ lệ củ cải và su hào phải giải cứu hay đổ bỏ so với tổng sản lượng của cả mùa vụ làm ra thì quả là "thiểu số" không thấm vào đâu so với "tổng số". Hơn nữa, con số kiếm được hàng trăm triệu đối với nhà nông thì quả là không hề nhỏ.
Nhưng, nhìn rộng ra cả nền sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm gần đây sẽ thấy, củ cải, su hào ế mùa này có thể là cá biệt. Tuy nhiên, nhiều nông sản khác đã từng phải giải cứu, thậm chí lặp lại cảnh giải cứu, do được làm ra thừa mứa mà không có đầu ra, rồi được mùa rớt giá, được giá mất mùa... Đó là chuyện đã từng xảy ra với: lợn thịt, gừng, cà chua, muối, chuối, điều, dừa, tỏi, dưa hấu, bí đỏ....
Hay những ngày gần đây, tại Tây Nguyên, nhiều nông dân trồng mía cũng đang khóc dở mếu dở vì mía đến vụ thu hoạch mà không có đầu ra trong khi thấp thỏm lo cháy. Mía tắc đầu ra vì nhà máy không mua do không có nhu cầu hoặc do trước đó không có hợp đồng với nông dân; còn thương lái bặt tăm.
Như thế rõ ràng, chuyện giải cứu nông sản không phải cá biệt. Nó đã và đang là "bệnh trọng" của nền sản xuất nông nghiệp. Cơ sự này không để đổ hoàn toàn cho nông dân, cũng không thể đổ hoàn toàn cho nhà nước, càng không thể đổ cho doanh nghiệp. Đây là hậu quả quá trình lâu dài tư duy sản xuất chậm đổi mới cho kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bởi vì một nền sản xuất trong cơ chế thị trường không thể cứ hô hào nhau nai lưng tạo ra cho thật nhiều sản phẩm rồi lúc tiêu thụ sẽ tính sau. Đặc biệt là một nền sản xuất không thể lớn mạnh, hiệu quả bền vững nếu cứ loay hay trông vào vận may thời tiết, trông chờ hay kêu gọi sự từ tâm của xã hội để giải cứu đầu ra. Mà nền sản xuất ấy muốn phát triển bền vững theo đúng quy luật phát triển của kinh tế thị trường thì phải theo đúng nguyên lý kinh tế thị trường đã được chứng minh trên toàn thế giới, đó là sản xuất phải theo nhu cầu thị trường.
Cho nên, tư duy của những nhà quản trị nông nghiệp và người làm nông nghiệp cần có sự thay đổi mạnh mẽ theo nguyên lý này. Tức là hãy sản xuất ra sản phẩm để bán cho thị trường có nhu cầu. Hãy bán cái người mua cần chứ không phải bán cái mình có. Ở ta đang có thực tế như một nghịch lý rằng, ta thừa rau, thịt... phải giải cứu không xuể trong khi lại vẫn nhập khẩu rất nhiều rau, thịt? Nếu tiếp cận từ góc độ thị trường, chẳng có nghịch lý nào trong chuyện đổ bỏ, thừa ế đó; nếu có nghịch lý thì chính là ở chuyện giải cứu.
Hằng ngày, báo chí vẫn phản ánh nước ta nhập khẩu rất nhiều rau, củ, quả, thịt, cá.... và người dân phải trả giá đắt đỏ để tiêu dùng sản phẩm nhập khẩu, trong khi sản phẩm cùng loại ta hoàn toàn có thể làm ra. Hoặc cái ta làm bán tại sân nhà mình thì lại đắt hơn cái cùng loại từ các nước xa xôi được nhập về. Vấn đề ở chỗ "tiền nào của ấy", một vài người tiêu dùng có thể nhầm lẫn này nọ, nhưng cả một xã hội người tiêu dùng thì hẳn là không thể cùng nhầm lẫn, mà chỉ có thể là "thượng đế" có quyền lựa chọn cái họ cần, họ muốn, họ trả giá.
Vậy nên, hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ, nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam cần một cuộc giải cứu bao trùm là giải cứu tư duy quản trị và sản xuất nông nghiệp. Vì tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nếu cơ quan nhà nước nói rằng, người dân không nghe lời nhà quản trị nên sản xuất không theo quy hoạch, thì trước tiền cần phải xem lại quy hoạch đã đúng đắn chưa. Nếu đủ bản lĩnh khoa học và thực tế để khẳng định quy hoạch và định hướng và dự báo nhu cầu thị trường đúng mà dân không nghe thì vẫn cần xem lại cách giải thích, thuyết phục người dân tin và theo. Còn nông dân cũng không thể cứ sản xuất kiểu "thích thì làm" cá nhân chủ nghĩa.
Giữa nhà quản trị nông nghiệp và nông dân đang rất cần gây dựng một niềm tin đúng đắn và có cơ sở để cùng hành động và phát triển. Cho nên, đừng đổ lỗi cho nhau nữa, hãy sòng phẳng mặc cả, đặt hàng nhau trên tinh thần cùng có lợi đi. Vì suy cho cùng, mấy chục triệu nông dân Việt Nam có thể cùng giỏi, cùng thông thái cũng không thể tạo ra được một nền sản xuất nông nghiệp bền vững nếu không có một bộ máy quản trị nền nông nghiệp đủ tầm và tâm để hoạch định chính sách và động viên lực lượng thực hiện chính sách đó một cách thống nhất và hiệu quả./.
“Giải cứu” củ cải: Loay hoay, bế tắc với điệp khúc “được mùa mất giá“
Chưa “giải cứu” xong củ cải, đến lượt su hào lại bị vứt bỏ vì ế
Ảnh: Người Hà Nội hăng hái “giải cứu” củ cải giúp nông dân
Giá củ cải giảm sâu, nông dân vứt bỏ trắng đồng