Trước tình trạng giá xăng dầu giảm nhiều nhưng một số doanh nghiệp chây ỳ không giảm giá vé, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng nếu cần thiết thì vận động một cuộc tẩy chay những hãng này.

xe_khach_bgmq.jpg

Đúng là sức ép giảm giá phải từ phía người sử dụng dịch vụ (người tiêu dùng, hành khách đi xe), chứ không trông mong gì ở sự tự giác của DN. Thế nhưng cũng phải nghiêm túc xem xét rằng: “Bêu tên hay tẩy chay thì ở Việt Nam có tác dụng gì không?”. Câu trả lời là “Không”. Vì từ trước tới nay, các giải pháp quản lý như niêm yết giá, công khai giá đến nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng… đối với các DN không chấp hành nghiêm túc các qui định pháp luật về giá đều không “xi nhê” gì. Bằng chứng là, họ vẫn nhởn nhơ bóp chẹt khách, vẫn không bị tẩy chay hoặc có phải chịu phạt hành chính thì cũng không nhằm nhò gì so với phần hưởng lợi từ việc “ôm” giá.

Về câu chuyện cước taxi, chị Thanh Nhàn ở quận Hà Đông chia sẻ: Tối 5/1, tôi đi từ Nội Bài về trung tâm thành phố. Xếp hết hành lý lên xe, xe chuyển bánh rồi mới hỏi lái xe cước tính thế nào. Sau khi biết giá cước trên chiếc xe mình đi chưa giảm tương ứng với mức giá của các hãng taxi khác hai bên đã xảy ra cãi vã. Cuối cùng anh tài xế bảo: “Các chị vẫy xe của tôi chứ tôi có ép các chị đi đâu. Vả lại, tăng hay giảm giá là việc của hãng chứ chúng tôi không có quyền và không hưởng lợi gì ở đây cả”. Nghe vừa tức vừa có lý nhưng tôi không thể xuống xe giữa đường vì lúc đó đã hơn 23h.

Trao đổi với Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh về vấn đề cước vận tải, cụ thể là câu chuyện các cơ quan quản lý yêu cầu các DN taxi phải niêm yết giá trên cửa xe, ông Ánh cho rằng: “Bất khả thi”. Bởi lẽ, những người mắt tinh thì nhìn được giá niêm yết chứ người mắt kém sao thấy được. Khách soi xong giá thì cũng chả có taxi nào dừng lại vì đi qua mất rồi. “Đi taxi là phải vẫy. Đã là vẫy là phải từ xa vẫy lại. Không lẽ, khi taxi đó dừng lại, khách nhìn thấy giá đắt quá thì phẩy tay cho đi? Các nhà quản lý đã đưa ra một qui định mà không tạo điều kiện cho người tiêu dùng lựa chọn. Đấy là còn chưa áp dụng ý tưởng tất cả taxi đều sơn một màu thì người tiêu dùng chỉ còn biết phân biệt bằng… niềm tin”.

Theo ông Ánh có thể chọn một giải pháp là  công bố tất cả giá cước của các hãng taxi A, B, C… trên mạng để người tiêu dùng có sự lựa chọn.

Còn với xe khách liên tỉnh, dù TP HCM đã “bêu” danh sách hàng chục doanh nghiệp không chịu giảm giá cước để răn đe, để người tiêu dùng tẩy chay nhưng có vẻ đây chỉ là giải pháp nhẹ nhàng nhất. Bởi lẽ, những ngày giáp tết rồi mà vẫn có hàng trăm người phải xếp hàng chờ đợi nhiều giờ nhưng không mua được vé xe. Mua được vé xe lúc này đã là tốt lắm rồi chứ mấy ai còn nghĩ đến chuyện “tẩy chay”.

Đối với vận tải hành khách liên tỉnh, theo ông Ánh, phải công khai, minh bạch giá vé để các DN thấy rằng, để hút được khách, để khách không chạy sang các hãng khác thì phải cạnh tranh bằng giá.

Theo kết luận kiểm tra của Bộ Tài chính mới đây: Tại Hà Nội, Hòa Bình vẫn còn tình trạng một số DN chưa thực hiện nghiêm túc việc kê khai giảm giá cước phù hợp với giảm giá nhiên liệu”. Riêng tại Thủ đô Hà Nội, số liệu đoàn kiểm tra cho biết mới có 71 DN đã điều chỉnh giảm giá cước và gửi hồ sơ kê khai lại. Cụ thể: 17 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách tuyến cố định, mức giá điều chỉnh giảm từ 4-16,67%; 2 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hàng hóa bằng container, mức giá điều chỉnh giảm 3-4%; 55 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách bằng taxi của 52 DN (3 DN kê khai giảm giá 2 lần), mức giá điều chỉnh giảm từ 4-9% so với mức giá kê khai gần nhất.

Đáng chú ý hơn, trong khi nhiều hãng xe không giảm giá cước phù hợp với giảm giá nhiên liệu thì có 3 DN vận tải ở Hà Nội đề nghị phụ thu tăng giá cước trong dịp Tết 2015 với mức tăng từ 20-60%.

Một điều lạ nữa là dù người tiêu dùng đang bị móc túi trắng trợn nhưng Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng chưa hề lên tiếng hay có bất kỳ động thái nào để bảo vệ các hội viên của mình?!

Trả lời trên tờ Lao động, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Ở đây còn có trách nhiệm của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Tôi không thấy có tiếng nói nào từ họ, từ trước đến nay vai trò của Hội Bảo vệ quyền lợi NTD rất yếu, thể hiện qua các đợt tăng giá sữa, xăng dầu, cước vận tải, họ rất ít lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ NTD. Mà NTD đơn lẻ thì lấy sức đâu mà lên tiếng được” - bà Lan nói./.