Gần giữa tháng Chạp nhưng làng hoa Tết ở xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi vắng hoe. Tầm này mấy năm trước, làng hoa tấp nập người bán, người mua. Vụ hoa Tết năm nay, gia đình ông Lê Văn Tước (ở đội 6, thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp) trồng 600 chậu hoa cúc, do ảnh hưởng của thời tiết, cây hoa héo rũ chết dần chỉ còn khoảng 200 chậu.

“Thời tiết năm nay khó làm, mưa lạnh thất thường, bão, lũ làm hư hoa. Bây giờ có đám chết hết sạch. Tiền lấy của thương lái rồi nhưng giờ đành trả tiền lại”, ông Lê Văn Tước nói.

Thời tiết thất thường ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng của hoa Tết. Nhiều nhà vườn nguy cơ thất thu. So với mọi năm, giá hoa năm nay cũng giảm. Mỗi chậu cúc đại đóa đường kính 50 cm năm ngoái 120.000 đồng/chậu thì năm nay giảm còn khoảng 100.000 đồng nhưng cũng không có người mua.

Ông Nguyễn Nhất Đông, thương lái ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi chần chừ khi đặt mua hoa bán Tết tại vườn: “Hoa năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid 19 giảm hơn năm ngoái nhiều. Lượng hoa năm nay ít, năm ngoái, nông dân trồng được nhiều. Dự kiến rất khó khăn, người mua cũng khó mà người bán cũng khó”.

Làng hoa Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa được xem là thủ phủ hoa của tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi năm, hơn 700 hộ trồng hoa nơi đây cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng chục ngàn chậu hoa. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, kinh tế giảm sút nên các hộ trồng hoa giảm sản lượng gần một nửa so với năm ngoái. Mới đây, hoa Nghĩa Hiệp được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây là cơ hội để nông dân nơi đây phát triển nghề trồng hoa theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Ông Đinh Duy Sung, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh… đã thành lập các chi hội nông dân nghề nghiệp, trong đó có chi hội những người trồng hoa. Hội Nông dân tỉnh kết nối, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn để người trồng hoa có điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng hoa Tết.

“Để đảm bảo ổn định đầu ra, chúng tôi cũng đã liên kết với một số đơn vị, doanh nghiệp phân phối . Đầu mối là Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân của tỉnh để kết nối. Vừa qua, đã có một số hộ nông dân đã kết nối phân phối, tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho các loại hoa”, ông Đinh Duy Sung cho biết thêm./.