Trung Quốc là thị trường tiềm năng lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhưng thực tế lại ngược lại. Giải pháp nào để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường đông dân nhất thế giới này?

Hạ tầng yếu, doanh nghiệp thiếu thông tin

Vụ ách tắc 36 lô tinh bột sắn hồi đầu năm nay tại cửa khẩu Chi Ma của tỉnh Lạng Sơn, hay trước đó là vụ hàng chục tấn dưa hấu bị tồn đọng ở cửa khẩu Tân Thanh có nhiều nguyên nhân, song trong đó có nguyên nhân do doanh nghiệp (DN) không nắm bắt kịp thời những thay đổi chính sách thương mại mậu biên của phía bạn. Các DN cũng không kịp thời nắm bắt được là Trung Quốc quy định các mặt hàng xuất khẩu của nước ta theo từng cặp cửa khẩu. Các thỏa thuận về kiểm nghiệm, kiểm dịch song phương không được các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến kịp thời và đầy đủ đến các DN khiến DN không nắm bắt được thông tin, thụ động trong xuất khẩu.

Ông Trần Văn Phu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, cho rằng, cần có cơ quan đầu mối nắm bắt những thông tin về chính sách thương mại cũng như các quy định về chất lượng, kiểm soát hàng hóa, nhu cầu của thị trường ở từng thời điểm để kịp thời thông báo cho DN và địa phương biết để ứng phó. “Bộ Công Thương làm đầu mối cùng bàn với Bộ Thương mại Trung Quốc và các tỉnh biên giới giáp Việt Nam cập nhật kịp thời hằng tháng về chính sách mậu biên của Trung Quốc để công bố cho các tỉnh biên giới chúng tôi và DN Việt Nam biết, tránh thụ động” - ông Phu đề xuất.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc gồm 3 nhóm hàng chính. Trong đó, nguyên nhiên liệu và khoáng sản chiếm 55%; nông sản, thủy sản chiếm 15%; hàng công nghiệp chỉ chiếm 10%. Tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao chiếm thấp trong tổng kim ngạch cũng là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng chậm.

Một điểm tồn tại khác là cơ sở hạ tầng giao thông, bến bãi, cửa khẩu chưa được cải thiện nhiều, chưa theo kịp với tốc độ tăng trưởng kim ngạch và tổng lượng hàng hóa, dịch vụ trao đổi giữa hai nước. Ông Lý Hải Hầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, trong khi phía bạn đầu tư cơ sở hạ tầng rất tốt, cửa khẩu nào tắc, sau 15 phút DN nước bạn có thể chuyển sang cửa khẩu khác, trong khi ở nước ta, cửa khẩu nào tắc là DN đành chịu.

Còn ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, dẫn chứng: “Năm 2008 do ảnh hưởng của bão số  4 và do nâng cấp quốc lộ 70; còn tháng 8, tháng 9 vừa qua Lào Cai và Hà Nội gần như bị ách tắc hoàn toàn, không có đường nào để đi. Đường sắt thì xuống cấp, gần 100 năm qua không được nâng cấp. Năng lực vận tải cả hàng hóa và hành khách hiện mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu”.  

Đại diện các tỉnh biên giới phía Bắc cũng kiến nghị Chính phủ sớm có quy hoạch thống nhất hệ thống cửa khẩu tại các tỉnh. Cửa khẩu nào được xác định là cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu nào là quốc gia để địa phương chủ động đầu tư và nâng cấp. Tránh việc địa phương nào giáp biên giới cũng mong muốn có cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia nhưng thực tế lại không thể hoạt động được do phía bạn không có cửa khẩu quốc tế hay quốc gia đối ứng ở khu vực đó. Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi khuyến khích DN đầu tư vào cửa khẩu, đưa cửa khẩu vào danh mục ưu đãi đầu tư phát triển như lĩnh vực y tế và giáo dục.

Hoàn thiện các chính sách

Ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, các tỉnh thường xuyên rà soát phát hiện tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về cơ chế, thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá. “Các Bộ, trong đó Bộ Công Thương có trách nhiệm giúp và tham mưu cho Chính phủ đánh giá lại văn kiện, hiệp định hoặc thỏa thuận mà chúng ta đã ký với phía bạn để nếu thấy cần bổ sung, sửa đổi thì khẩn trương sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu, tạo khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động thương mại. Vừa qua, trong khuôn khổ Ủy ban Liên Chính phủ giữa hai nước đã thống nhất thành lập tiểu ban thương mại để thúc đẩy thương mại” - ông Vũ Huy Hoàng nói.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng:Triển khai kỳ họp đầu tiên của Nhóm công tác hợp tác thương mại Việt - Trung, chúng ta sẽ đề xuất với phía bạn các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tạo thuận lợi tối đa trong việc cấp C/O cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Trung Quốc để tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan trong khuôn khổ khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc

Triển vọng thị trường Trung Quốc vẫn được đánh giá là cơ hội lớn đối với Việt Nam trong thời gian tới. Theo Bộ Công Thương, đến năm 2010, tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc có thể đạt 1.300 tỷ USD. Ngoài ra, nhìn vào cơ cấu những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Trung Quốc cũng như tỷ trọng xuất khẩu của hàng Việt Nam vào thị trường này thì thị trường Trung Quốc tới đây vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, đây sẽ vẫn là điều kiện thuận lợi cho hàng hoá Việt Nam. Vấn đề còn lại là sớm tháo gỡ các vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho DN xuất khẩu./.

Trung Quốc trở thành thị trường đứng thứ 3 trong xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch năm 2008 đạt 4,536 tỷ USD (sau Mỹ và Nhật Bản). Về nhập khẩu, Trung Quốc hiện đứng đầu với kim ngạch năm 2008 là 15,625 tỷ USD. Buôn bán với Trung Quốc chiếm khoảng 14,07% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, trong khi đó Việt Nam chỉ chiếm 0,78% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc.

Trong quan hệ thương mại Việt - Trung, Việt Nam vẫn là nước nhập siêu. Năm 2008, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 11 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng nhập siêu của cả nước. 6 tháng đầu năm 2009, con số này là 5 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu của việt Nam sang Trung Quốc 6 tháng qua mới đạt trên 1,9 tỷ USD. (Nguồn: Bộ Công Thương)