Sau hơn 1 năm thực hiện Thông tư 01 của liên Bộ Y tế và Tài chính về đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế, giá thuốc tại nhiều bệnh viện đã giảm từ 20% đến 30%, nhiều tỉnh thành tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng tiền mua thuốc so với trước.

Tuy nhiên, cũng từ đây nảy sinh những bất cập khác, đặc biệt là tình trạng nhiều loại thuốc giá rẻ, không đảm bảo chất lượng trúng thầu khiến bệnh viện điều trị không hiệu quả và bệnh nhân phải chịu thiệt thòi.

Cũng như nhiều địa phương khác, năm nay, lần đầu tiên Sở Y tế  tỉnh Quảng Ngãi thực hiện đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế theo Thông tư 01 của liên Bộ Y tế và Tài chính. Thông tư này tạo điều kiện cho nhiều loại thuốc giá thấp trúng thầu nên tổng số tiền mua thuốc của các cơ sở y tế tỉnh Quảng Ngãi đã giảm gần 30% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị cho bệnh nhân, Sở Y tế và các bệnh viện ở Quảng Ngãi lại lo ngại về những loại thuốc giá rẻ trúng thầu nhưng chất lượng không đảm bảo.

Đây cũng là lo lắng chung của nhiều đơn vị đang đấu thầu thuốc theo Thông tư 01. Ông Hồ Đức Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết, điều trớ trêu là nhiều loại thuốc trúng thầu được sản xuất từ những nước có điều kiện tương đương Việt Nam: “Hiện nay cơ bản những thuốc trúng thầu là của Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ. Tất nhiên tiền nào của nấy, giá rẻ thì chất lượng thuốc không đảm bảo. Trong việc hướng dẫn đấu thầu thì phân loại theo nhóm. Ví dụ thuốc Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ vào một nhóm thì chỉ có thuốc Trung Quốc, Ấn Độ trúng thầu, còn thuốc Hàn Quốc không trúng thầu nên tâm lý bác sỹ và người dân không yên tâm điều trị”

Cũng theo ông Hồ Đức Hải thì liên Bộ Y tế và Tài chính cần sớm sửa đổi Thông tư 01 để khắc phục những bất cập trong việc đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế hiện nay: “Theo tôi nên phân nhỏ các nhóm, tức là phân định nguồn gốc xuất xứ loại thuốc đó, ở châu Âu thì nước nào, châu Á thì nước nào vì mỗi nước có tiêu chuẩn khác nhau, chất lượng khác nhau. Những bệnh thông thường chỉ cần thuốc Châu Á thôi nhưng những bệnh nặng phải cần đến những thuốc tốt như của Đức, Thụy Sỹ, Pháp…”.

Phó Giáo sư Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (đơn vị vừa mở phiên đấu thầu thuốc ngày 3/9) cho biết, trước khi mở thầu, lãnh đạo bệnh viện đã tìm hiểu kinh nghiệm của những đơn vị đi trước để tránh sai lầm. Ông dẫn ra 1 ví dụ về 2 mặt hàng thuốc kháng sinh cùng hàm lượng và cùng hoạt chất ciprofloxacin dự thầu tại một bệnh viện nhưng do giá rẻ hơn gấp 10 lần nên loại thuốc của Ấn Độ đã trúng thầu; còn loại thuốc kia sản xuất tại châu Âu, chất lượng tốt lại không trúng thầu vì giá cao.

Hậu quả là loại thuốc trúng thầu điều trị không hiệu quả, nhất là không đáp ứng điều trị với bệnh nhân bị nhiễm trùng.

Phó Giáo sư Nguyễn Tiến Quyết nói: “Phương châm đấu thầu thuốc của Bệnh viện Việt Đức là thuốc tốt, giá cả hợp lý; vì vậy chúng tôi thành lập Hội đồng thẩm định chất lượng thuốc để đảm bảo chất lượng đấu thầu…”.

Đó là biện pháp của bệnh viện tuyến Trung ương, nhưng với những bệnh viện tuyến dưới thì không đủ năng lực thẩm định chất lượng thuốc, nhất là khi việc thử tương đương sinh học và kiểm định chất lượng thuốc nhập khẩu của nước ta còn nhiều yếu kém.

Ông Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: “Với cơ chế đấu thầu này chúng ta quản lý được rất tốt thuốc trong nước. Phân loại được doanh nghiệp nào đạt tiêu chuẩn PIC, PICS, cộng đồng Châu Âu, đấy là nhóm chất lượng cao và nhóm chất lượng thấp hơn. Như vậy thuốc sản xuất trong nước đã chia thành 2 nhóm về chất lượng và tiền nào của nấy. Vấn đề hiện nay của chúng ta là kiểm soát thuốc không có PIC của nước ngoài vào Việt Nam.Có trường hợp họ công bố thuốc đạt tiêu chuẩn PIC nhưng chúng ta không biết vì thuốc đã được nước sở tại cấp giấy chứng nhận”.

Ngày 5/9 này, lãnh đạo Bộ Y tế sẽ họp với Cục Quản lý Dược và Vụ Kế hoạch tài chính về dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thì về lâu dài cần phải có một luật đấu thầu riêng đối với thuốc và thiết bị y tế, chứ không nên áp dụng một bộ luật Đấu thầu chung như hiện nay./.