Trong 20 năm xây dựng và trưởng thành, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hàng trăm tỉ đồng; kiến nghị huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật sai quy định hoặc không phù hợp thực tế, đồng thời đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật...
Từ một tổ chức không có tiền thân, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) ra đời trên cơ sở Nghị định 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ, đến nay, sau 20 năm thành lập (11/7/1994 - 11/7/2014), KTNN đã trở thành một thể chế được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong hoạt động chuyên môn, KTNN đã xác định kế hoạch kiểm toán là khâu quan trọng và là công cụ, thước đo kết quả hoạt động kiểm toán. Tiếp nối kế hoạch kiểm toán là quá trình tiến hành kiểm toán. Đây là hoạt động chính của ngành kiểm toán, và luôn được sự chỉ đạo sát sao của Ban cán sự Đảng và lãnh đạo KTNN.
Nhờ vậy, hoạt động kiểm toán của KTNN trong 20 năm qua và đặc biệt là vài năm gần đây luôn có sự phát triển ổn định, toàn diện, thể hiện qua các mặt: Quy mô kiểm toán tăng dần một cách hợp lý qua từng năm nhưng không vượt quá số lượng, năng lực của đội ngũ kiểm toán viên hiện có.
Song song với các cuộc kiểm toán tiến hành theo kế hoạch, KTNN còn thực hiện các cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và đề xuất của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty; Tổng hợp kết quả kiểm toán để báo cáo với lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ theo yêu cầu. Ngoài ra, KTNN còn thực hiện các cuộc kiểm toán theo đề nghị của nhà tài trợ; kiểm toán song song với KTNN Liên bang Nga; kiểm toán chung với KTNN một số nước.
Từ năm 2007, KTNN thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước. Trong 5 năm trở lại đây, hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế Nhà nước đều được kiểm toán ít nhất 2 năm một lần.
KTNN luôn tiến hành đồng thời 3 loại hình kiểm toán, trong đó, thời gian đầu tập trung kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ, nhưng đến thời điểm hiện tại, loại hình kiểm toán hoạt động đang dần được nâng cao tỉ trọng. Đặc biệt, từ đầu năm 2014, KTNN đã thành lập Phòng Kiểm toán hoạt động và đã tổ chức 2 cuộc kiểm toán hoạt động độc lập dưới sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài.
Về kiểm toán báo cáo tài chính, qua kết quả kiểm toán, KTNN đã xác nhận tính đúng đắn trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán giúp cho các bộ, cơ quan Trung ương điều chỉnh các báo cáo phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành, cung cấp thông tin đáng tin cậy để HĐND các cấp và Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN ở từng cấp.
Về kiểm toán tuân thủ, KTNN đã kiểm toán và chỉ rõ các sai sót, sai phạm trong chấp hành các quy định hiện hành về chính sách, chế độ tài chính, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các hành vi tham nhũng theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về kiểm toán hoạt động, từ năm 2006, KTNN đã tham gia thảo luận về dự toán. Mặc dù ý kiến của KTNN về dự toán NSNN còn hạn chế, song đây là tiền đề để KTNN tổ chức phương thức kiểm toán trước (tiền kiểm) một khi có đủ cơ sở về pháp lý. Hầu hết các cuộc kiểm toán, các đoàn kiểm toán đều đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực tài chính mà chủ yếu là nguồn lực NSNN.
Trong Báo cáo kiểm toán, Báo cáo quyết toán NSNN và Báo cáo kiểm toán năm, KTNN thường xuyên đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc triển khai thực hiện các chính sách tài khóa, chính sách tài chính, tiền tệ liên quan đến niên độ được kiểm toán để chỉ rõ những bất cập, hạn chế của chính sách hoặc tồn tại, sai sót, vướng mắc của quá trình triển khai thực hiện chính sách trong cả nước.
Chất lượng kiểm toán của KTNN luôn được nâng cao qua từng năm. Kết quả kiểm toán của KTNN ngày càng cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị được kiểm toán nhiều kiến nghị có giá trị trong thực tiễn. Quốc hội đã sử dụng kết quả kiểm toán để phê chuẩn quyết toán NSNN, phục vụ cho hoạt động giám sát, xem xét sửa đổi các luật đã ban hành không còn phù hợp với thực tế hoặc có vướng mắc, bất cập khi triển khai thực hiện...; HĐND các cấp căn cứ kết quả kiểm toán để phê duyệt quyết toán, giám sát, chỉ đạo việc điều hành quản lý, sử dụng ngân sách của chính quyền địa phương; Các tập đoàn, tổng công ty sử dụng kiến nghị của KTNN để tăng cường công tác quản lý tài chính doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh...; Các bộ, cơ quan Trung ương đã cải thiện nhiều về công tác quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN...
Hằng năm, KTNN đều tổ chức họp báo công khai báo cáo kiểm toán năm và công khai kết quả một số cuộc kiểm toán có quy mô lớn, có nội dung được xã hội quan tâm bằng nhiều hình thức. Kết quả kiểm toán được công khai ngày càng tạo sự tin tưởng của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đối với hoạt động kiểm toán của KTNN. Việc công khai, minh bạch kết quả kiểm toán hàng năm cũng đã tạo được niềm tin đối với các tổ chức quốc tế đang có hoạt động tài trợ, viện trợ cho Việt Nam. Ngoài ra, KTNN còn lập các báo cáo định kỳ gửi các cơ quan chức năng (báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, báo cáo về phòng, chống tham nhũng) theo quy định. 5 năm trở lại đây, KTNN đã chủ động chuyển sang cơ quan điều tra, thanh tra để điều tra, thanh tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật 9 hồ sơ với 11 vụ việc.
Từ năm 1994 đến năm 2013, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 147.580 tỉ đồng, trong đó các khoản tăng thu NSNN 29.148 tỉ đồng, giảm chi NSNN 22.365 tỉ đồng, ghi thu - ghi chi để quản lý qua NSNN 17.924 tỉ đồng và kiến nghị xử lý tài chính khác 78.143 tỉ đồng.
Tính riêng 5 năm gần đây (2009 - 2013), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 91.168 tỉ đồng, chiếm 62% tổng số kiến nghị xử lý tài chính trong 20 năm, trong đó các khoản tăng thu NSNN 14.290 tỉ đồng, giảm chi NSNN 14.527 tỉ đồng, ghi thu - ghi chi để quản lý qua NSNN 5.177 tỉ đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác 57.174 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, KTNN đã kiến nghị huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật sai quy định hoặc không phù hợp thực tế. Ngoài ra, KTNN còn đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật như: Luật NSNN 1996, 2002; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng...
Những đóng góp thiết thực trong 20 năm hoạt động của KTNN đã tạo nên dấu ấn quan trọng về chức năng tư vấn của cơ quan kiểm tra tài chính Nhà nước./.
Từ năm 1996-2013, KTNN đã thực hiện 295 đề tài khoa học các cấp. Thông tin khoa học trong nhiều năm qua đã giúp lãnh đạo KTNN đưa ra các định hướng về nghiên cứu khoa học trong từng giai đoạn phát triển của KTNN, hỗ trợ các đoàn kiểm toán trong việc áp dụng các vấn đề nghiên cứu vào thực tiễn hoạt động, giúp các kiểm toán viên tra cứu, ứng dụng các vấn đề lý luận vào học tập, nghiên cứu và kiểm toán.
Hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng về phạm vi và chiều sâu: Không ngừng thiết lập, phát triển quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới và các tổ chức quốc tế; góp phần không nhỏ, tạo điều kiện thuận lợi để KTNN học tập, chia sẻ kinh nghiệm, thu hút các nguồn lực nhằm tăng cường năng lực để KTNN vừa thực hiện nhiệm vụ trong nước vừa hội nhập quốc tế; góp phần tích cực vào quá trình hội nhập, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới trên trường quốc tế./.