Việc thi công cầu Hải Vân 2, thuộc Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân gặp phải sự phản đối của người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hơn 1 tháng nay, công trình tạm dừng để điều chỉnh phương án thi công. Phải chăng từ khâu thiết kế, đánh giá tác động môi trường và quá trình thi công dự án này có vấn đề?

vov_cau_hai_van_vqcn.jpg
Đường công vụ thi công cầu Hải Vân 2 chắn ngang cửa đầm Lăng Cô ra biển khiến người dân phản đối
Cầu Hải Vân 2 thuộc Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân do Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần quản lý đầu tư và khai thác hầm đường bộ Hải Vân -HAMADECO thi công.

Để phục vụ thi công cầu Hải Vân 2, theo hồ sơ thiết kế, nhà thầu phải làm 2 đường công vụ tạm, một đường dài 70 mét và một đường dài 200 mét. Ngày 27/5 vừa qua, khi đơn vị thi công triển khai làm được 180 mét đường công vụ thì người dân ở các thôn An Cư Đông 1, An Cư Đông 2, Hải Vân thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú  Lộc phản đối, ngăn cản thi công. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng làng An Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô, làng có 700 hộ dân, trong đó gần một nửa chuyên nuôi trồng thủy sản.

Bây giờ làm thêm đường công vụ chắn ngang đầm Lăng Cô gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng hải sản của bà con, đặc biệt có nguy cơ xảy ra sạt lở khi lũ về.

Người dân cho rằng, bờ cát ven làng An Cư Đông 2 bị sạt lở sau khi con đường công vụ hình thành
Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết, từ khi đường công vụ ngăn đầm Lăng Cô, dòng nước chảy xiết, gần đây xuất hiện tình trạng sạt lở đất vào sâu hơn 1 mét, chiều dài 30 mét.

Trước phản ứng của người dân, Ban Quản lý dự án Hầm đường bộ Hải Vân đã yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng thi công để điều chỉnh phương án thi công. UBND thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc và Ban Quản lý dự án Hầm đường bộ Hải Vân đã tổ chức họp giải quyết những vướng mắc với người dân địa phương.

Theo đó, chủ đầu tư thống nhất bổ sung 5 cống thoát nước ngang và 2 cầu tạm, mỗi cầu dài 12 mét trên đường công vụ để đảm bảo thoát nước; Hạ thấp cao độ thiết kế mặt đường công vụ đảm bảo nước tràn qua khi lũ về. Chủ đầu tư cam kết thanh thải đường công vụ, hoàn trả lại hiện trạng sau khi hoàn thành thi công cầu Hải Vân 2.

Sạt lở dồi cát ven làng An Cư Đông 2 dài 30 mét, vào sâu hơn 1 mét
Giải thích vì sao công trình mới triển khai thi công đã nảy sinh bất hợp lý phải điều chỉnh, ông Trịnh Văn Phúc, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Hầm Hải Vân viện dẫn một loạt công văn, giấy tờ mang tính pháp lý đối với dự án này. Tuy nhiên, trên thực tế phương án thi công cầu Hải Vân 2 đã chưa đánh giá hết mức độ ảnh hưởng về môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và lồng bè nuôi trồng thủy sản trong đầm Lăng Cô.

Ông Trịnh Văn Phúc cho biết: "Trước đây không có cống, không có cầu chỉ có một con đường công vụ chạy ra. Bây giờ phải chỉnh sửa, tại 2 lạch nước sâu nhất thì làm cầu ở đó".

Với phương án thi công đang điều chỉnh sẽ có hàng chục lồng bè nuôi trồng thủy sản của 34 hộ dân thị trấn Lăng Cô nuôi tại đầm Lăng Cô bị ảnh hưởng, di chuyển đến nơi khác. Tuy nhiên, nguồn kinh phí lên tới 218 triệu đồng giờ này vẫn chưa rõ ràng.

Sạt lở ngày càng ăn sâu vào khu dân cư
Ông Trịnh Văn Phúc, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Hầm đường bộ Hải Vân cho rằng, công tác đền bù giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Trong khi đó, ông Phan Công Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc khẳng định, số lồng bè của 34 hộ dân nuôi ở đầm Lăng Cô bị ảnh hưởng phải di dời do chủ đầu tư điều chỉnh phương án thi công rồi đổ trách nhiệm cho địa phương là không thể chấp nhận được.

Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân thuộc công trình trọng điểm ngành giao thông. Thế nhưng, mới triển khai làm đường công vụ phục vụ thi công cầu Hải Vân 2 đã vấp phải sự phản đối của người dân buộc phải tạm dừng để điểu chỉnh phương án thi công. Hậu quả của những bất hợp lý trong thi công dự án này là người dân và chính quyền địa phương đều khổ./.